Sai phạm trong hoạt động BHXH - BHYT: Thu thiếu, chi sai

Ngày 5-1, tại TPHCM, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Theo đánh giá của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua công tác thanh tra đã có những chuyển biến tích cực; ngành thanh tra triển khai nhiều hoạt động thanh tra trong những lĩnh vực quan trọng như tài chính, thuế, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp… Một trong những lĩnh vực “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm bị ngành thanh tra phát hiện nhiều sai phạm chính là bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT).
Sai phạm trong hoạt động BHXH - BHYT: Thu thiếu, chi sai

Ngày 5-1, tại TPHCM, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Theo đánh giá của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua công tác thanh tra đã có những chuyển biến tích cực; ngành thanh tra triển khai nhiều hoạt động thanh tra trong những lĩnh vực quan trọng như tài chính, thuế, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp… Một trong những lĩnh vực “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm bị ngành thanh tra phát hiện nhiều sai phạm chính là bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT).

Giá thuốc tăng khiến người dân lo lắng. Ảnh: MAI HẢI

Giá thuốc tăng khiến người dân lo lắng. Ảnh: MAI HẢI

Chế tài chưa đủ mạnh

Trong năm 2010, Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH từ năm 2005 đến năm 2009 tại 503 đơn vị trong toàn quốc. Kết quả thanh tra cho thấy tuy số tiền BHXH - BHYT thu được hàng năm vượt kế hoạch được giao nhưng thực tế lại thấp hơn số phải thu là 9% - hậu quả của việc các cơ quan BHXH địa phương xây dựng kế hoạch thu BHXH - BHYT chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH - BHYT diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Tính đến tháng 10-2010, tổng số nợ BHXH - BHYT lên đến hơn 5.401 tỷ đồng; trong đó những địa phương có số nợ lớn, kéo dài là TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lãi phạt chậm nộp  BHXH - BHYT thấp hơn lãi suất ngân hàng, cộng thêm chế tài đối với hành vi cố tình trốn nộp BHXH - BHYT chưa đủ mạnh, do vậy nhiều doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH - BHYT sử dụng vào việc khác hoặc trả nợ vay ngân hàng mà không sợ bị xử lý.

Trong việc thực hiện chế độ BHXH cũng xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, với tổng số tiền hơn 17,7 tỷ đồng. Chẳng hạn 11 tỉnh thành (bao gồm Hà Nội, Bắc Kạn, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế…) giải quyết sai chế độ, chậm thời gian, sai lệch hồ sơ hưu trí của 163 người. Hay tại 22 địa phương khác, cơ quan thanh tra phát hiện 18.250 trường hợp chi sai chế độ, sai đối tượng, không đủ thủ tục trong hồ sơ nghỉ ốm đau, thai sản. Nghiêm trọng hơn là tình trạng “ăn chặn” tiền BHXH xảy ra tại các tỉnh Sóc Trăng, Lâm Đồng, Bạc Liêu và 14 địa phương khác. Sau khi nhận tiền chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của 5.798 trường hợp, đơn vị sử dụng lao động đã không chi trả cho người lao động, chi sai đối tượng hoặc sử dụng số tiền này cho mục đích khác.

Công tác thẩm định giá không đạt yêu cầu

Tương tự, việc thực hiện chế độ BHYT cũng có nhiều sai phạm, với tổng số tiền hơn 647 tỷ đồng. Phổ biến là hiện tượng cơ sở khám chữa bệnh thống kê chi phí khám chữa bệnh không đúng thực tế (như thống kê cao hơn thực tế, trùng lặp, lập khống hồ sơ khám chữa bệnh; kê sai xuất xứ, hàm lượng, đơn giá thuốc vật tư y tế; lạm dụng thẻ BHYT; bệnh nhân phải nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người một suất giường bệnh).

Từ trước đến nay, dư luận đã râm ran về những khuất tất trong việc đấu thầu mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện. Thực tế thanh tra tại nhiều địa phương cho thấy những thông tin trên là có cơ sở. Chỉ mới thống kê đơn giá thuốc nhập khẩu của 8 đơn vị cung ứng thuốc năm 2007 và năm 2008 cho Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa đã phát hiện có 75 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá nhập khẩu từ 130% đến 245%. Ngoài ra, công tác thẩm định giá nhiều nơi không đạt yêu cầu, dẫn đến giá thuốc trúng thầu hầu hết đúng giá xét thầu, nhiều loại thuốc sau đấu thầu có giá cao hơn giá bán ngoài thị trường tự do (Hải Phòng 54 loại, Thanh Hóa 118 loại) hoặc cao hơn giá thuốc do bệnh viện tự mua ngoài thị trường.

Những sai phạm trên của các bệnh viện diễn ra trong thời gian dài - từ năm 2005 đến nay - có phần trách nhiệm trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Cụ thể, cơ quan BHXH và Sở Y tế ở địa phương đã không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý vi phạm; BHXH Việt Nam và Bộ Y tế chưa kịp thời kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định để quản lý và kiểm soát hoạt động BHXH - BHYT.

Trong năm 2010, ngành thanh tra đã phát hiện 133 vụ, 193 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 633,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 53 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 21 vụ - 30 người, xử lý trách nhiệm 13 lãnh đạo đứng đầu đơn vị sai phạm.

Các cơ quan chức năng khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng, Viện KSND các cấp truy tố 253 vụ với 631 bị can, TAND các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo. Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng và bị gây thiệt hại đã được phát hiện là 193,5 tỷ đồng và 516,8 ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1 ha đất, số còn lại đang tiếp tục thu hồi. Cơ quan điều tra cũng đã phát hiện và khởi tố một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng như vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific; vụ nhận hối lộ của Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục