
20 năm, một chặng đường không dài trong quá trình hình thành, khẳng định thương hiệu một doanh nghiệp. Sài Gòn Công thương Ngân hàng (Saigonbank) - ngân hàng (NH) TMCP ra đời đầu tiên ở nước ta - đã có nhiều bước thăng trầm, để lại nhiều dấu ấn thành công. Đến nay Saigonbank đã khẳng định uy tín và đang phát triển với độ sung mãn.
Dấu ấn 2007

Từng trải qua nhiều cơn lốc gian nan của những năm đầu thành lập, những năm khủng hoảng thị trường tài chính-tiền tệ, nhưng Saigonbank đã vững vàng vượt qua sóng gió và ban lãnh đạo Saigonbank coi đó là bài học quý giá để có được sự phát triển bền vững hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay các NH trong nước đang đón đầu nhiều cơ hội mới cùng không ít thách thức lớn, Saigonbank vẫn tiếp tục gặt hái thành công trong hoạt động kinh doanh. Hầu hết những chỉ tiêu kế hoạch Saigonbank đề ra từ đầu năm đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2007, tổng nguồn vốn của Saigonbank đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm; vốn huy động đạt hơn 8.000 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm; dư nợ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm. Sau khi trích dự phòng, 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận của Saigonbank đạt gần 180 tỷ đồng, vượt hơn lợi nhuận của cả năm 2006.
Năm 2004 đến 2007 được xem là giai đoạn tăng tốc của Saigonbank với tốc độ tăng trưởng từ 45%-50%/năm. Thành quả này có được là do sự nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV Saigonbank, từ HĐQT, Ban tổng giám đốc, đến mỗi CBNV, với quyết tâm đưa NH vươn lên mạnh mẽ.
Trước áp lực cạnh tranh trên thị trường, Saigonbank đã mạnh dạn thay đổi chiến lược và sách lược kinh doanh, áp dụng các chính sách khách hàng linh hoạt để duy trì sự phát triển và tăng trưởng trên tất cả các mặt hoạt động. Bên cạnh đó, Saigonbank đã xây dựng một loạt chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng, đồng thời áp dụng các công cụ cần thiết để nhân viên tiếp thị có thể xử lý tình huống nhanh trong đàm phán, thương lượng khi tiếp xúc với khách hàng tiềm năng.
Trong kinh doanh, các NH thành công đều phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với hoạt động và thế mạnh của mình. Saigonbank là NH có thế mạnh về hoạt động tín dụng doanh nghiệp. Trong kinh doanh, Saigonbank xác định từ đầu là hạn chế việc cho vay cầm cố kinh doanh CK để hạn chế rủi ro, nên cho đến nay, dư nợ cho vay CK chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ. Vì thế khi TTCK đi xuống và đặc biệt là khi NHNN có chính sách siết chặt hoạt động tín dụng trong lĩnh vực này, Saigonbank đã không bị động, phải tái cơ cấu các khoản cho vay, thu hồi vốn khách hàng.
Hiện nay các sản phẩm cho vay của Saigonbank sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu tín dụng cá nhân đa dạng như cho vay tiêu dùng, mua nhà, xây sửa nhà, du học… Hội sở chính của NH chuyên về bán buôn chủ yếu với các doanh nghiệp, còn các chi nhánh chuyên về bán lẻ với các khách hàng, hầu hết là khách hàng cá nhân.
Riêng đối với tín dụng doanh nghiệp, Saigonbank mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh ở nước ta như dệt may, thêu, chế biến thủy hải sản... Đi đôi với việc mở rộng tín dụng, chất lượng tín dụng ngày càng được Saigonbank chú trọng, thông qua việc tăng cường công tác kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay, tích cực thu hồi nợ lãi, hạn chế tối đa nợ quá hạn và nợ xấu. Chính nhờ kiểm soát trong suốt quá trình cho vay nên nợ xấu của Saigonbank hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,4%/tổng dư nợ.
Định hướng phát triển
Bà Trần thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank, cho biết UBCKNN vừa chấp thuận nguyên tắc cho Saigonbank phát hành cổ phần, tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.020 tỷ đồng và dự kiến sẽ phát hành trong tháng 11-2007. Cũng trong năm nay, sau khi được UBCKNN chấp thuận, Saigonbank sẽ phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong lộ trình tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2010.
Trong kế hoạch tăng vốn năm 2007, ngoài việc bán cho cổ đông hiện hữu và CBCNV, Saigonbank còn bán cổ phần cho một số khách hàng chiến lược trong nước để tăng cường nội lực. “Khách hàng chiến lược trong nước của Saigonbank sẽ là những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, tình hình tài chính lành mạnh, doanh số hoạt động lớn, cam kết gắn bó lâu dài trong quan hệ với NH” - bà Ánh khẳng định.
Nguồn vốn tăng lên sẽ được Saigonbank tập trung đầu tư vào các dịch vụ NH như đầu tư trung dài hạn, tài trợ xuất nhập khẩu, hùn vốn liên doanh và thành lập thêm một số công ty trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực phi NH như CK, bảo hiểm, bất động sản, khách sạn…
Saigonbank là một trong hai thành viên sáng lập của hệ thống chuyển mạch thẻ VNBC, đã kết nối với nhiều NH thành viên như Habubank, MHB, UOB (Singapore) và mới đây là kết nối với hệ thống thẻ quốc gia Banknet…, cho phép chủ thẻ Saigonbank Card có thể giao dịch tại các máy ATM của nhiều NH khác nhau.
Tùy vào năng lực tài chính của chủ thẻ, sắp tới Saigonbank sẽ đẩy mạnh cho vay thấu chi nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu tài chính cho các chủ thẻ trong sinh hoạt, mua sắm. Từ nay đến cuối năm 2007, Saigonbank sẽ mở thêm 5 chi nhánh tại các tỉnh để đưa tổng số điểm giao dịch của NH trên cả nước lên 50 điểm.
Hiện nay hoạt động các chi nhánh của Saigonbank đều có lãi và góp phần vào sự thành công chung của NH. để phục vụ những kế hoạch chiến lược đã vạch ra, Saigonbank đang phát triển nguồn nhân lực với các chính sách ưu đãi nhằm phục vụ cho công tác mở rộng hoạt động của Saigonbank trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
20 năm, một chặng đường, Saigonbank có thể tự hào đã có một đội ngũ CBNV kế thừa trẻ, năng động, có trình độ-là nguồn lực quan trọng quyết định sự thành công và phát triển của NH trong tương lai.
Dịu Ngân
Đẩy mạnh phát triển công nghệ Đầu năm nay, Saigonbank đã ký hợp đồng với Công ty Sungard System Access (Mỹ) để triển khai Dự án hiện đại hóa công nghệ NH, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, từng bước thực hiện quản lý, điều hành hoạt động NH theo thông lệ quốc tế bằng công nghệ mới. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng này Saigonbank sẽ phát triển thêm các dịch vụ NH điện tử như Internet Banking, E-Banking… đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng. Đến nay, Saigonbank đã phát hành 100.000 thẻ Saigonbank Card cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và được sử dụng rộng rãi tại các siêu thị, trường học, bệnh viện… Có được thành công này là nhờ NH đã phát triển các dịch vụ tiện ích dân sinh như thanh toán tiền điện, nước, thẻ điện thoại, thẻ Internet… qua các máy ATM hiện đại, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng chi lương qua thẻ, phát hành thẻ liên kết… |