Thượng tá Phạm Văn Thịnh-Trưởng phòng CSGT Đường bộ (CA TPHCM):

“Nên đi làm và đi học lệch giờ”

“Nên đi làm và đi học lệch giờ”
“Nên đi làm và đi học lệch giờ” ảnh 1

Hiện nay chúng tôi vẫn duy trì và phát huy việc đưa thông tin ùn tắc giao thông trên đài phát thanh TPHCM và biển báo điện tử. Kiểm soát việc cấm xe tải lưu thông trong giờ cao điểm (6g-9g, 16g-18g). Xe tải nặng chỉ hoạt động từ 21g đến 6g sáng hôm sau, còn xe tải nhẹ chỉ hoạt động ngoài giờ cao điểm. CSGT được phép điều tiết nắn dòng từ xa cả chục cây số so với điểm đang ùn tắc…

Phần lớn các điểm ùn tắc là các điểm cửa ô huyết mạch. Tuy nhiên các điểm còn tồn tại dai dẳng là các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, trường học, siêu thị vì chưa có đường thoát. Có những điểm phải mất gần chục CSGT để giải quyết khi xảy ra ùn tắc. Tuy hiện nay còn gần 60 điểm có nguy cơ ùn tắc nhưng năm nay và vài năm tới số điểm này dự kiến sẽ gấp đôi vì các dự án về giao thông hạ tầng đang triển khai ồ ạt. Năm 2006 vừa qua số vụ ùn tắc lớn khoảng 9 vụ nhưng con số này chưa bền vững, điểm ùn còn phổ biến, điểm tắc thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Nên đi làm và đi học lệch giờ” ảnh 2

(Ảnh chụp tại ngã tư CMT8 - Võ Văn Tần - Q3 - TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Tình trạng kẹt xe sẽ càng nghiêm trọng hơn khi việc đăng ký xe hơi và xe máy được “giải tỏa” sau Thông tư 01 của Bộ Công an đầu năm 2007. Giao thông động đã bất cập, giao thông tĩnh còn bất cập hơn, đại đa số bến bãi đậu xe đều không đạt tiêu chuẩn đúng nghĩa, mạng lưới giao thông như ma trận. Tình hình này đòi hỏi TP phải thực hiện ngay các giải pháp ngắn hạn trước mắt, trung hạn và dài hạn. Tăng thêm các giải pháp như hệ thống metro, hệ thống đường vành đai để xe tải hoạt động, hạn chế xe tải chạy vào nội thành. Phải tổ chức giao thông lại cho hợp lý. Những đường rộng 7-12m mà có đường song trùng thì tổ chức đường một chiều để tăng tốc độ và tần suất lưu thông. Đường nào mà xe buýt đáp ứng đầy đủ nhu cầu thì nên cấm xe 2 bánh. Quan trọng và cấp thiết hơn là nên áp dụng phương án làm việc lệch giờ như các các nước phát triển đã làm. 

CHÂU TRÚC (ghi) 

Thủ đô Hà Nội
Đề xuất giải pháp lệch giờ

Sở GTCC Hà Nội vừa đưa ra Đề án giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội đến năm 2010, được chia thành 7 nhóm giải pháp. Ngoài các giải pháp về quy hoạch-đầu tư phát triển hạ tầng và xe buýt, tuyên truyền, tổ chức giao thông…thì đáng chú ý nhất là các nhóm giải pháp quản lý. Theo đó, giờ làm việc, học tập được điều chỉnh theo các khối và lệch từ 30 phút đến 60 phút cho các Sở, doanh nghiệp trong thành phố. Cụ thể, cơ quan hành chính của thành phố làm việc từ 8h30 đến 17h30, các doanh nghiệp làm việc từ 7h30 đến 16h30. Các trường THCS, THPT bắt đầu hoạt động từ 7h. Cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng sẽ bố trí từ 7h30 đến 16h30. Ngoài ra, thành phố dự kiến tăng phí đăng ký mới ôtô, xe máy và thu phí hoạt động của các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn. Hà Nội cũng dự kiến nâng mức phí giữ xe tại các khu đỗ xe và khu vực dành cho người đi bộ, nơi thiếu diện tích làm bãi đỗ xe... Sở GTCC cũng dự kiến sẽ chỉ cho phép tối đa 300 xe xích lô có đủ điều kiện về kỹ thuật, mỹ thuật được phép hoạt động trên địa bàn thành phố. Các xe xích lô chỉ được phép hoạt động trên 3 tuyến phố chính và bị khống chế về thời gian hoạt động, trong đó cấm tuyệt đối hoạt động vào giờ cao điểm.

H.Châu

Tin cùng chuyên mục