4 giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông trong năm 2007

Sở Giao thông-Công chính TPHCM vừa dự kiến sẽ triển khai một loạt giải pháp nhằm làm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở TP hiện nay và sắp tới. Chúng tôi xin ghi lại những giải pháp này để bạn đọc tham khảo và góp ý kiến.

Giải pháp 1: Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông

- Duy tu, sửa chữa thường xuyên và khắc phục kịp thời các hư hỏng của hệ thống hạ tầng giao thông như mặt đường bị lún sụt, biến dạng, ổ gà; hệ thống đèn chiếu sáng bị hỏng hoặc biển báo bị mờ, bong tróc, ngã…

- Rà soát và điều chỉnh lại hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ khoa học hơn, phù hợp với năng lực đáp ứng của hạ tầng và nhu cầu đi lại, vận chuyển của nhân dân. Lắp đặt bổ sung hướng dẫn giao thông trên các quốc lộ, các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố.

- Sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ với 64 tuyến đường được sửa chữa lớn và vừa trong năm 2007 với tổng kinh phí khoảng 130,64 tỷ đồng. Đồng thời sửa chữa đảm bảo giao thông nhiều tuyến đường khác với nguồn vốn dự kiến gần 74 tỷ đồng.

- Đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đối với các công trình giao thông trọng điểm dự kiến hoàn thành hoặc khởi công trong năm 2007, nhất là các dự án đường vành đai, đường trục chính đô thị, đường kết nối với các tỉnh, khu kinh tế, khu dân cư quan trọng.

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chống ngập nước trong khu vực nội đô và các tuyến đường cửa ngõ thành phố.

- Thay thế tất cả dải phân cách bê tông trong nội đô bằng dải phân cách thép (dải phân cách bê tông sẽ được lắp đặt trên các tuyến quốc lộ).

Giải pháp 2: Tổ chức giao thông và đẩy mạnh phân luồng giao thông một chiều

- Nghiên cứu tổ chức giao thông khoảng 18 khu vực, nút giao thông thường xảy ra ùn tắc như khu vực Nguyễn Thị Minh Khai-Phạm Viết Chánh-Cống Quỳnh; Trần Hưng Đạo-Nguyễn Tri Phương-Trần Phú; Lê Văn Sỹ-Huỳnh Văn Bánh…

- Nghiên cứu tổ chức lưu thông một chiều các cặp đường song song như Trần Quốc Thảo-Lê Quý Đôn, Lê Lai-Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai-Võ Văn Tần…

- Tổ chức phân luồng giao thông tạm hỗ trợ cho các dự án trọng điểm.

- Nghiên cứu cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ có bán kính rẽ nhỏ hẹp hoặc bị lấn chiếm như Nguyễn Đình Chiểu-Lê Quý Đôn; Nguyễn Kiệm-Thích Quảng Đức; Nguyễn Văn Linh-Huỳnh Tấn Phát…

- Nghiên cứu lại pha đèn, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông lệch pha cho phép rẽ trái hoặc rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ.

- Nghiên cứu lắp đặt biển báo hiệu giao thông cấm các loại xe rẽ trái tại các giao lộ thường xuyên ùn tắc giao thông hoặc có mật độ phương tiện lưu thông lớn.

- Lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông còn thiếu ở những giao lộ có mật độ xe lưu thông cao. Đồng thời, theo dõi, thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của các đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ để tháo gỡ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Giải pháp 3: Chấn chỉnh trật tự giao thông đô thị

- Phối hợp với các quận tổ chức, sắp xếp lại hệ thống bãi đậu xe ô tô-2 bánh trên địa bàn.

- Nghiên cứu, bố trí các vị trí hợp lý cho người đi bộ qua đường; nghiên cứu xây lắp các hầm chui, cầu vượt tại các giao lộ có mật độ lưu thông cao.

- Nâng cao hiệu quả việc thẩm định thiết kế cơ sở hoặc cấp phép kinh doanh các trung tâm thương mại, siêu thị, công trình xây dựng… Các nơi này phải có phương án bố trí bãi đậu xe, lối ra vào sao cho đảm bảo được khả năng đáp ứng của hiện trạng hạ tầng.

- Bố trí lực lượng TNXP điều tiết và lập lại trật tự giao thông tại các điểm có nguy cơ ùn tắc.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với mọi hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng lề đường.

Giải pháp 4: Chấn chỉnh lại hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng

- Rà soát, chấn chỉnh lại tình trạng có quá nhiều tuyến xe buýt trên cùng 1 trục đường, bố trí loại xe buýt phù hợp với chiều rộng mặt đường, giảm bớt độ trùng lắp tuyến, giảm mật độ lưu thông xe buýt một số tuyến đường hay ùn tắc.

- Nghiên cứu xây dựng đoạn, tuyến xe buýt ưu tiên hoặc dành riêng BRT (Metro-bus trên mặt đất), thiết kế các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh.

- Rà soát, bố trí lại các trạm dừng cho hợp lý, tránh đặt quá gần giao lộ, trước cổng các chợ, bệnh viện, trường học…

- Tăng cường giáo dục tài xế xe buýt nghiêm chỉnh thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không được lạm dụng quyền ưu tiên trong lưu thông.

- Tiếp tục chấn chỉnh trật tự vận tải, nhất là xóa các bến cóc, xe dù…

Ngoài ra, để hạn chế phương tiện cá nhân, Sở GT-CC TPHCM còn dự định sẽ đề xuất thu phí môi trường đối với xe gắn máy và ô tô. Bên cạnh đó, sẽ cấm xe máy lưu thông trên một số tuyến đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi… Kiên quyết duy trì việc cấm xe 3 bánh, xe bán hàng rong hoạt động trong khu vực trung tâm TP.  

Hà CHÂU (ghi)

Tin cùng chuyên mục