Cổ phần hóa bệnh viện công: Y đức hay cổ tức?

Cổ phần hóa bệnh viện công: Y đức hay cổ tức?

Cho đến nay, phương án cổ phần hóa (CPH) Bệnh viện công lập Bình Dân (BVBD) vẫn chưa hoàn tất nhưng trên thị trường, cổ phiếu (CP) của BV này đã “nóng” lên hàng ngày. Trước đó, CP của BV tư Triều An cũng được giới mua bán CP “săn” ráo riết. Liệu việc CPH các BV có đáp ứng được chất lượng điều trị như mong muốn của số đông người bệnh cũng như mang lại mức cổ tức mơ ước cho cổ đông?

  • “Sốt” cổ phiếu bệnh viện
Cổ phần hóa bệnh viện công: Y đức hay cổ tức? ảnh 1

Khu khám và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Để “giữ chân” đội ngũ công nhân viên, y-bác sĩ giỏi, tháng 2-2007 vừa qua, lãnh đạo BV Triều An quyết định thưởng cho nhân viên của mình bằng CP. Tùy theo thâm niên công tác và năng lực làm việc mà mức thưởng nhiều hay ít, thấp nhất là số CP trị giá 10 triệu đồng (giá gốc). Tuy nhiên, dù chưa biết mức chia cổ tức bao nhiêu nhưng những “tiêu chuẩn thưởng” CP này đã được cò CP mời chào mua lại với giá cao gấp 2-3 lần giá gốc. Chỉ trong vòng một tháng, ngoài thị trường tự do, CP BV Triều An đã tăng liên tục, từ  2 “chấm” lần lượt “leo” đến 6-7 “chấm”.

Một lãnh đạo của BV Triều An cho biết, thực chất không phải BV bán CP mà là thưởng CP thay vì thưởng tiền cho nhân viên. Mức thưởng ít nhất là 10 CP, mỗi CP trị giá 1 triệu đồng. Nếu nhân viên nào khó khăn, muốn quy đổi ra tiền mặt thì hội đồng quản trị sẽ mua lại CP đó với mức giá gấp đôi (2 “chấm”) mệnh giá gốc, và nhân viên sẽ hưởng trọn số tiền tương ứng. BV chỉ cho phép mua bán CP ra bên ngoài sau hai năm nữa.

Sục sôi hơn nhiều là CP của BVBD. BV này được định giá khoảng 81 tỷ đồng. Đến nay, đề án chi tiết CPH BV vẫn chưa hoàn chỉnh để trình lên UBND TPHCM. Tuy vậy, với lợi thế là BV công đầu tiên của cả nước thí điểm CPH nên CP của BVBD, dù chưa xuất hiện, đã trở thành “hàng hot” trên thị trường CP tự do. Nhiều nhà đầu tư CP nhận định, hoạt động BV là dịch vụ khó bị ế, chỉ lời chứ không thể lỗ. Do vậy, giá “suất” mua CP chưa thành hình của BVBD liên tục “leo thang”, vọt lên 10 “chấm”. Với đà này, chưa kể 20% CP được lên sàn đấu giá theo quy định, chắc chắn nhiều CP ưu đãi cho nhân viên của BV sẽ không thể đến đúng địa chỉ mà sẽ thuộc về những người không hề làm việc trong BV! Ngoài ra, một số BV công đã được “bật đèn xanh” để CPH như BV Hùng Vương, BV Mắt…, dù chưa lập phương án nhưng nhiều người bên ngoài đã râm ran chuyện mua bán, định giá các “suất” CP.

  • Bệnh viện công sẽ càng quá tải?

Theo nguyên tắc, CPH BV công là nhằm thu hút nhiều nguồn vốn trong xã hội để cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như chất lượng khám chữa bệnh của BV. Tuy nhiên, khi đã hoạt động theo cơ chế thị trường thì tất nhiên giữa yêu cầu phải đạt lợi nhuận và tính công ích sẽ xảy ra mâu thuẫn, khi đó liệu “y đức” có còn được xem trọng ngang bằng “cổ tức”?

Về vấn đề này, TS-BS Nguyễn Hải Nam, nguyên giám đốc BV miễn phí An Bình, tâm sự: “Phải xác định xuyên suốt rằng dịch vụ y tế là ngành phi lợi nhuận. CPH hay không CPH không thành vấn đề, quan trọng là cách tổ chức quản lý, làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, mau nhất, rẻ nhất thì mới đạt tôn chỉ ngành y”. Hiện giờ các BV công ở thế thượng phong so với những BV tư vì chất lượng chuyên môn tốt hơn, chi phí lại rẻ hơn. Nhưng sau khi CHP xong các bệnh viện này chưa chắc duy trì được những ưu thế đó mà tùy thuộc vào quan điểm đi tìm lợi nhuận của HĐQT và ban giám đốc của BV đó.

Như vậy, liệu CP BVBD có thực sự là “máy đẻ tiền” cho các nhà “săn” CP? BV này được biết đến như là một BV ngoại khoa hàng đầu ở TPHCM, nơi tập trung nhiều chuyên gia giải phẫu nổi tiếng cùng trang thiết bị khá hiện đại. Vì vậy, BV có 550 giường bệnh này luôn trong tình trạng quá tải. Một ngày cuối tháng 3-2007, chúng tôi quan sát nhiều phòng nội trú trong Khoa Gan-Mật của BV đã vượt công suất, có phòng có tới 10 giường trong khi theo thiết kế là 6-7 giường nhưng mỗi giường còn phải “gánh” số bệnh nhân gấp đôi. Như vậy, với lượng “khách hàng” như trên thì rõ ràng nhà cung cấp dịch vụ “thắng đậm”.

Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BVBD, khẳng định: “Sau CPH BV sẽ vận hành theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo tính đủ chi phí trở lên. Chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ sẽ được nâng lên đáng kể, và tất nhiên chi phí khám chữa bệnh, viện phí cũng sẽ tăng cao. Nhưng vì chất lượng tăng nên chắc chắn lượng bệnh nhân sẽ tăng tiếp” (?).

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân tỏ ra “dao động” khi được hỏi về chuyện BVBD sẽ hoạt động với hình thức CPH trong tương lai. Anh Hồng Văn Quá (đường Phạm Thế Hiển-P1-Q8), có cha đang nằm điều trị nội trú ở Khoa Gan-Mật, lo lắng: “Bệnh của cha tui có thể đi nhiều BV khác nhưng tui chọn BVBD vì viện phí ở đây rẻ, bác sĩ tin tưởng được nhưng nếu viện phí tăng bằng các BV tư thì phải tính lại, lúc đó đi Ung Bướu hay Chợ Rẫy mới thích hợp túi tiền eo hẹp”. Anh Quá, một người dân ở TPHCM mà đã suy tính vậy thì đông đảo người bệnh ở các tỉnh phía Nam đổ về TPHCM chắc chắn sẽ “dạt” sang các BV công lập còn lại làm cho tình trạng quá tải ở các BV công càng trầm trọng. Đây là điều đi ngược lại mục đích của ngành y - đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh tiếp cận tất cả người dân với chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục