Những nẻo nghề lạ

Kỳ 2: Nuôi dế trong... xô !

Bí quyết nuôi dế trong xô nhựa
Kỳ 2: Nuôi dế trong... xô !

Sài Gòn-TPHCM là vùng đất mới, nơi hội tụ, dung nạp lưu dân của nhiều vùng miền với nhiều phong tục tập quán, lối sống khác nhau. Chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều loại nghề... không biết gọi tên nhưng đã nuôi sống không ít gia đình qua nhiều thế hệ. Tuần San SGGP Thứ Bảy xin giới thiệu loạt bài về những nghề lạ, hơi kỳ quái với những chuyện buồn vui, những số phận, những nỗi lòng của những con người đã gắn bó với các nghề đó như là một định mệnh.

Bà con trong ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi thường nhắc đến người thanh niên 28 tuổi, Lê Thanh Tùng, như một tấm gương thoát nghèo bằng cái nghề chăn  nuôi khá lạ đời: nuôi dế. Thông thường, người ta nuôi dế dưới đất ẩm hay trong vại - lu còn anh nuôi dế trong... xô nhựa!

Gian nan nuôi dế

Kỳ 2: Nuôi dế trong... xô ! ảnh 1
Lê Thanh Tùng bên các xô nuôi dế. Ảnh VIỆT DŨNG.

Lê Thanh Tùng tự nhận là nông dân chính hiệu vì nhà anh gắn bó với ruộng đồng, vườn tược như một nghiệp truyền thống. Tùng đã có 9 năm phụ gia đình chăn nuôi vịt nhưng vào năm 1997, trứng gà Trung Quốc giá rẻ ồ ạt lấn sang thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng mạnh đến những người nuôi vịt lấy trứng như gia đình Tùng. Các đợt hàng lỗ liên tục làm cả gia đình anh chán nản, chuyển sang trồng rau. Nhà không có diện tích đất lớn canh tác thêm hoa màu nên Tùng phải đi làm phụ hồ để tăng thu nhập. Nghề phụ hồ cũng đầy bấp bênh khiến Tùng cứ nghĩ phải tìm một việc gì đó thật ổn định. Một buổi tối, tình cờ Tùng xem ti vi thấy giới thiệu hơn 500 loại côn trùng trên thế giới được sử dụng chế biến món ăn, trong đó có dế. Biết dế được bán trên thị trường thế giới với giá 45 USD/kg, Tùng vừa bất ngờ vừa thích thú vì chẳng ngờ con dế lại có giá như vậy. Tùng bèn cất công tìm hiểu nhưng ngay cả Trung tâm Khuyến nông huyện Hóc Môn cũng lắc đầu bảo không có tài liệu nào nói về nghề nuôi dế cả!

Trở về hỏi thăm một số người trong ấp, Tùng biết có vài người thường bắt dế về chế biến thành món dế chiên, dế kho để nhậu lai rai. Anh bắt chước chiên thử, mọi người trong nhà ăn xong đều khen ngon. Tùng bèn đem chuyện nuôi dế ra bàn với gia đình nhưng mọi người cho rằng nuôi dế vừa dễ rủi ro, vừa mất thời gian. Riêng mẹ Tùng nói anh đã lớn rồi nên có quyền tự quyết định chuyện của mình.

Tháng 8-2000, Tùng vẫn đi phụ hồ nhưng về đến nhà là anh ra ruộng bắt dế về nuôi. Anh mượn hai cái nồi nấu bánh tét của gia đình và một cái lu đất để nuôi dế thử nghiệm. Thức ăn cho dế chỉ có cỏ, rau, cơm được băm nát, vò viên. Dế nuôi trong lu sau 3 tháng sinh sôi nảy nở tốt hơn trong nồi thiếc, lứa đầu tiên đẻ hơn 100 con. Tùng mừng lắm, cả nhà cũng mừng cho anh. Bao nhiêu tiền công đi phụ hồ, Tùng đem đi mua xô nhựa rồi bỏ đất, cỏ vào tạo môi trường thiên nhiên thu nhỏ cho dế ở. Theo anh Tùng, dế có thể nuôi trong vại, lu nhưng xô nhựa vừa bền vừa có thể di chuyển dễ dàng hơn. Cứ một tuần anh mua thêm 3 xô và lượng xô tăng lên 140 cái mà đợt dế nào cũng bán sạch, trung bình anh kiếm 30.000-40.000 đồng/ngày. Nhưng cuối năm 2001, đàn dế đột ngột lăn ra chết, chỉ còn 3 xô dế sống sót. Hàng xóm thấy tội nghiệp, qua hỏi mua giúp đống xô nhựa về đựng nước nhưng anh không bán.

Tình cờ, một ông khách ở Bình Dương tìm đến Tùng hỏi mua dế giống về nuôi. Còn lại 3 xô dế, Tùng bán 2 xô với giá 15.000 đồng nhưng ông khách này trả luôn 20.000 đồng. Chuyện có người mua dế giống về nuôi khiến Tùng quyết tâm không thể bỏ dở thành quả đã đạt được bằng bao công sức. Tùng tìm hiểu và phát hiện do che chắn bít bùng quá khiến dế bị ngạt. Từ một xô dế còn lại, Tùng gầy dựng lên 300 xô với 200 con/xô vào cuối năm 2003. Dế sinh sôi nhiều quá buộc anh nghỉ làm phụ hồ để có thời gian chăm sóc. Tháng 6-2003, Tùng có 700 xô dế. Từ đó đàn dế của Tùng bắt đầu có mặt trên bàn ăn của nhiều nhà hàng trong thành phố. Tháng 12-2003, Tùng mở quán ăn chuyên về dế, bà con Sài Gòn và ở các tỉnh kéo đến nườm nượp thưởng thức. Anh bàn với gia đình bỏ rau để trồng cỏ nuôi dế. Dịp Tết năm 2004, Tùng tính bán đợt dế 150.000 con trị giá 30 triệu đồng thì bỗng nhiên dế chết do ngộ độc thức ăn, chỉ còn lại 30.000 con. Hợp đồng bị bể khiến Tùng mất nhiều mối làm ăn nhưng Tùng vẫn tiếp tục theo đuổi đến cùng cái nghề mình đã chọn.

Tùng “dế”

Biệt hiệu Tùng “dế” do mọi người ở huyện và các bạn hàng đặt cho Tùng không chỉ vì anh là người nuôi nhiều dế nhất Việt Nam với số lượng 400.000 con mà còn vì anh là người đầu tiên nghiên cứu và viết sách về kỹ thuật nuôi dế. Anh đã chuyên nghiệp hóa nghề nuôi dế theo hướng công nghiệp bằng cách thành lập một trang trại rộng 500m2, chủ động nguồn thức ăn cho dế và theo dõi, ghi nhận thường xuyên tình hình phát triển của dế. Không phụ lòng người, đàn dế phát triển rất tốt, đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp dế giống và dế thịt cho khách hàng. Trại dế của anh được coi là “lò” cung cấp dế với các loại dế: dế thịt (20.000 đồng/100gr), dế sữa (25.000 đồng/100gr), dế cơm (1.500 đồng/con). Đặc biệt, dân địa phương chiếm đến 20% lượng khách hàng thường xuyên của Tùng. Ngoài bán dế giống, Tùng còn tư vấn kỹ thuật nuôi và cung cấp các dụng cụ nuôi dế. Bên cạnh đó, anh còn nuôi thêm hơn 10.000 con bò cạp, giá bán 2.000-4.000/con tùy lớn, nhỏ.
 
Thực đơn dế do Tùng chế biến hiện đã lên cả chục món, trong đó có một số món khoái khẩu như: dế sữa chiên giòn, gỏi dế, dế chiên bột, dế xào mì, dế kho tiêu. Đặc biệt, món rượu dế của Tùng cũng là loại rượu “độc nhất vô nhị”, giá bán 100.000 đồng/lít. Bây giờ, dế đã trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống cả chục người trong gia đình Tùng. 

Bí quyết nuôi dế trong xô nhựa

- Chọn loại xô nhựa đường kính khoảng 50cm, cao 60cm. Nếu không đủ kinh phí mua lồng bàn làm nắp đậy thì có thể thay thế bằng bìa cứng, ở giữa khoét lỗ có đường kính 3-4cm để thông khí và tiện quan sát.

- Để đảm bảo quy trình sinh sản, mỗi xô chỉ cho ghép 30 con cái và 15 con đực trưởng thành. Dế chỉ đẻ trong vòng hai tháng là thải loại.

- Chuẩn bị khay đẻ cho dế có hình gạt tàn thuốc lá chứa đất ẩm, dày 1,5cm. Xếp khay vào các xô dế bố mẹ và lấy khay ra sau mỗi ngày để đưa đi ấp, sau đó tiếp tục đưa khay mới vào xô nuôi để dế đẻ tiếp. Mỗi ngày, 30 con dế mẹ có thể đẻ hàng nghìn trứng.

- Trước khi cho khay dế đẻ vào xô ấp nở, cần chuẩn bị hai khăn bông vuông (loại khăn lạnh lau mặt) đã được nhúng nước. Đặt một khăn dưới đáy xô sau đó đặt khay trứng lên trên. Đặt tiếp khăn ướt thứ hai lên trên mặt khay trứng để giữ độ ẩm. Sau đó, đậy nắp xô. Nhiệt độ cần thiết cho trứng nở khoảng 24-25oC. Sau 3-4 ngày, thay khăn ướt một lần để giữ độ ẩm. Sau 9-10 ngày, toàn bộ trứng trong khay bắt đầu nở. Khi trứng đã nở hết, lấy khay ra khỏi thùng và chuyển dế con vào thùng nuôi. Trước khi chuyển dế con vào xô nuôi, phải vệ sinh xô sạch sẽ, dưới đáy và xung quanh xô rải cỏ xanh được rửa sạch, rưới nước lên kèm theo một ít cám viên (loại cám nuôi gà con) đã nghiền nhuyễn. Khi dế trưởng thành, cần chia dế sang xô khác để dế lớn nhanh.

- Thức ăn cho dế: cỏ, cám hỗn hợp. Tùy theo lứa tuổi mà thức ăn được cho vào đáy xô nhiều hay ít. Hàng ngày, phun nước quanh thành xô để dế uống.

HỒNG LOAN

Kỳ tới: Biến tấu nghề làm mẫu

Kỳ 1: Nuôi bò cạp: Gian nan mới thành “vua”

Tin cùng chuyên mục