Hắt hiu chợ thời siêu thị

Bài 1: “Cuộc chiến” không cân sức

7 lý do chọn siêu thị
Bài 1: “Cuộc chiến” không cân sức

Hệ thống phân phối nhu yếu phẩm chủ đạo phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân ở nước ta trước kia là chợ và các tiệm tạp hóa rải rác khắp các địa phương. Nay, theo đà kinh tế, xã hội phát triển, các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tự chọn ồ ạt phát triển, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Phân phối hàng hóa không còn là mảnh đất đặc quyền của tiểu thương, chợ bị chia cắt thị phần,  hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại vì thế cạnh tranh một cách khốc liệt. Kết quả: một số ngôi chợ trong thành phố chết dần mòn, một số chết hẳn, số khác ngắc ngoải, giãy giụa tìm lối thoát hoặc đang hấp hối, phân hóa...

Cạnh tranh sống còn

Bài 1: “Cuộc chiến” không cân sức ảnh 1

Khách nước ngoài thích đến tham quan chợ Bình Tây. Ảnh: VIỆT DŨNG. Ảnh: H.P.

Trên 250 chợ lớn – nhỏ ở Sài Gòn thời gian gần đây gần như chung số phận buộc phải thu hẹp trước sức ép của mạng lưới phân phối sản phẩm hiện đại ngày càng phát triển là hệ thống siêu thị. Sắp tới, khi các tập đoàn phân phối hàng đầu khu vực và thế giới như Wal-mart (Mỹ), Carrefour (Pháp), Lotte (Hàn Quốc), Tesco (Anh), Dairy Farm (Singapore)…, “nhảy” vào VN để tranh thị phần thì chắc hẳn nhiều ngôi chợ với nhiều thế hệ tiểu thương cha truyền con nối càng đứng trước nguy cơ mai đây có thể sẽ chỉ còn trong ký ức.

Ngoại trừ một số chợ vốn là “di sản”, là “biểu tượng của thành phố” như chợ Bến Thành - nơi tham quan và mua sắm chủ yếu của du khách nước ngoài; chợ Bình Tây chuyên cung cấp hàng hóa, vật dụng chủ đạo cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; chợ vải Soái Kình Lâm; chợ đầu mối hóa chất, hàng ngũ kim, đồ điện Kim Biên…, hầu hết các chợ vừa và nhỏ khắp thành phố đều ít nhiều “nghẹt thở” trước sức cạnh tranh khốc liệt của hệ thống phân phối bán lẻ với tốc độ và quy mô đầu tư ngày một gia tăng.

Sự ra đời ngày càng nhiều siêu thị và trung tâm thương mại với cơ sở hạ tầng khang trang, tiện nghi đã làm giảm nghiêm trọng lượng khách đi chợ. Có thể nói, chưa bao giờ siêu thị được nhiều người lựa chọn như hiện nay. Trong khi chợ chỉ đông vào một số giờ nhất định thì siêu thị từ sáng sớm đến tận giờ đóng cửa không khi nào ngớt khách, nhất là các ngày cuối tuần, lễ, Tết… Các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Maximark, SaigonCo.op... và các trung tâm bán sỉ lẻ lớn như Metro, BigC, Parkson là những nơi có sức mua rất cao.

Bán thiếu còn hơn ngồi không!

Vài năm trước, thành phố đã cho di dời một số chợ đầu mối nông sản thực phẩm như chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh, chợ cá Hòa Bình (Q5), chợ cá Xóm Củi, chợ Bình Đăng (Q8), chợ Mai Xuân Thưởng, chợ Sân cá 50 (Q6)… ra ngoại thành, gom về các chợ Tam Bình (Thủ Đức), chợ Tân Xuân (Hóc Môn) và chợ thủy-hải sản Bình Điền (Q8).

Chợ cũ đã mất, các chợ mới thì ngắc ngoải trong cuộc cạnh tranh, cụ thể chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức) được quy hoạch là trung tâm luân chuyển và phân phối nông sản tại cửa ngõ phía Đông Nam bộ, gần ngã tư Bình Phước và quốc lộ 1A (đường Xuyên Á) nhưng do quá xa, vị trí lại không thuận lợi nên bà con tiểu thương và bạn hàng cũ ít ai theo về. “Bây giờ còn đỡ chứ trước đây chợ vắng ngắt, hoạt động không thể bằng chợ cũ, bà con ai cũng than” – lời của ông Tư Bông chạy xe ôm tại khu vực này.

Chợ Bình Tây sầm uất là thế với gần 1.500 sạp, thuộc 16 ngành hàng bên trong chợ và trên lầu, bên ngoài thêm 6 dãy với trên 1.000 sạp thuộc 12 ngành hàng từ vải vóc, túi, cặp, đồ nhôm, đồ nhựa, quần áo may sẵn, đồ lót… nhưng thời gian gần đây sức mua cũng đã giảm đi rất nhiều. Mặt hàng chủ lực của chợ trước đây là giày dép với hàng trăm sạp, có sạp đã trải qua 2 – 3 thế hệ cha truyền con nối, “nay cũng lâm vào cảnh ế ẩm do hàng Trung Quốc nhiều, rẻ, đổ đống, bán sôn tràn ngập lề đường hoặc có mặt khắp các siêu thị” – nhiều tiểu thương đồng loạt than.

Vậy nên để bán được hàng, hầu hết phải chịu bán thiếu, bán gối đầu! Chị Kiểu, chị Hồ Muội, tiểu thương buôn bán tại chợ Bình Tây gần 20 năm, cho biết: “Chợ có khoảng trên 300 sạp tạm ngưng hoạt động do buôn bán ế ẩm, thua lỗ và đủ thứ thuế má. Nhiều người muốn sang lại sạp phải chịu thuế rất cao mà cũng hiếm ai mua vì thời hạn thuê sạp tại đây chỉ còn vài năm nữa là hết”. Khu kẹo bánh có mặt hầu hết các loại bánh kẹo nổi tiếng của cả nước như bánh pía Sóc Trăng, kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh Hải Dương, mè xửng Huế… nay cũng không thoát khỏi cảnh “chợ chiều” do ngày càng nhiều Bakery (cửa hàng bánh kẹo cao cấp) mọc lên khắp thành phố.

Các chợ điện tử lừng lẫy trước đây như Huỳnh Thúc Kháng, Nhật Tảo, Hùng Vương… cũng không tránh khỏi cuộc chiến sống còn với các siêu thị và trung tâm điện máy đua nhau ra đời và thường xuyên khuyến mãi như Nguyễn Kim (Q1); Ideas, Kỳ Đồng, Lộc Lê (Q3); Thiên Hòa (Tân Bình); Tự Do, E-mart (Bình Thạnh); Gia Thành, Chợ Lớn (Q5)…

Chợ nhà giàu cũng khóc!

Được mệnh danh là “chợ nhà giàu”, chợ Tân Định từng nổi tiếng với các loại trái cây, rau quả ngon nhất Sài Gòn, có thể sánh với chợ Bến Thành, thêm quần áo, vải sợi, giày dép, chạp phô cũng nổi tiếng tốt nên lượng người mua cũng nổi tiếng vì chỉ quan tâm đến chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả, vậy mà nay chỉ một số ngành hàng còn giữ được “phong độ”, các ngành hàng khác đang lâm vào cảnh hiu hắt. Hiện chợ vẫn có trên 700 hộ kinh doanh nhưng thử đi chợ vào tầm trưa hoặc xế chiều, không hiếm cảnh tiểu thương các dãy chạp phô, quần áo, đồ gia dụng… vừa ngồi tán dóc, ăn vặt, nhổ tóc, nặn mụn cho nhau, vừa thở vắn ngáp dài. Khi thực hiện bài viết này, từ một nguồn tin, được biết sắp tới một trung tâm thương mại hoành tráng sẽ mọc ngay trên… đầu ngôi chợ có lịch sử gắn với thành phố, được xây dựng từ năm 1926 - 1927 này.

Riêng chợ Bến Thành tuy giá sang sạp rất cao (200 - 300 lượng vàng/sạp mặt tiền, năm 2006), nhưng nhiều bà con tiểu thương cho biết 2 năm trở lại đây kinh doanh tại chợ ngày càng khó khăn, hàng ế ẩm do cạnh tranh rất nhiều. “Trừ một số ngày, giờ cao điểm hay những dịp lễ hội… chợ thường xuyên lâm vào cảnh người bán đông hơn người mua” – chị Kim Anh, chị Dung, tiểu thương hàng vải sợi, quần áo may sẵn nói. “Hiện chợ có gần 1.500 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 40-50 hộ đã ngưng bán từ 3 đến 6 tháng vì thua lỗ, mặt bằng được dùng tạm làm kho chứa đồ” - một vị đại diện ban quản lý chợ cho biết.

SONG PHẠM

7 lý do chọn siêu thị

1. Tránh được cảnh nóng bức, lớp nhớp lầy lội ở các chợ cá, chợ rau hoặc dầm mưa, dãi nắng nếu là chợ họp ngoài trời.
2. Không phải băn khoăn về giá cả và không sợ nói thách vì hàng hóa ở siêu thị niêm yết giá rõ ràng, dù có thể cao hơn ở chợ một chút; đặc biệt tránh được tình trạng cân thiếu rất phổ biến tại một số chợ.
3. Có nhiều sản phẩm tương tự để tìm hiểu, so sánh, chọn lựa.
4. Nhiều loại thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn sạch sẽ, vệ sinh, an toàn; phần nhiều hàng hóa có xuất xứ, nguồn gốc, hạn dùng, cách dùng…
5. Có thể ngắm nghía tùy thích, không mua cũng không sao.
6. Thường xuyên có hàng khuyến mãi và các chương trình khuyến mãi; mua nhiều được tích lũy điểm thưởng, được tặng quà.
7. Có khu vui chơi giải trí (nhà banh, cầu tuột, trò chơi điện tử…) dành cho trẻ để các ông bố, bà mẹ có thể rảnh tay chọn lựa, mua sắm; có khu ăn uống khang trang với nhiều món ngon để khách có thể lân la cả ngày tại đây mà không sợ… đói!

SP. 

Kỳ tới Bài 2: Những ngôi chợ sắp “qua đời”

Tin cùng chuyên mục