“Sale off” để kích cầu

Hai từ “sale off” (giảm giá) thường xuất hiện nhiều nhất tại các cửa hàng vào dịp trước lễ Giáng sinh và năm mới. Thông thường, đây là dịp giảm giá mạnh nhất trong năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công bao trùm châu Âu đã khiến doanh số tiêu dùng trước 2 kỳ nghỉ lớn cuối năm 2011 sụt giảm mạnh. Vì vậy, tranh thủ những ngày đầu năm mới 2012, các tập đoàn bán lẻ châu Âu lại bước vào cuộc đua giảm giá lần nữa để kích thích người dân mở rộng hầu bao hơn sau khi đã rất chi li trong dịp cuối năm.

Nếu như đợt bán hàng giảm giá sau Giáng sinh ở một số nước bắt đầu vào ngày 26-12, hay còn gọi là Boxing Day, thì đợt bán hàng giảm giá ở Tây Ban Nha bắt đầu vào ngày 2-1-2012. Tại một cửa hàng thời trang Blanco, trung tâm thành phố Madrid, các bảng hiệu treo giảm giá đến 50% các mặt hàng thuộc bộ sưu tập mùa đông. Đối với nhiều cửa hàng, đợt bán hàng giảm giá sau Giáng sinh chiếm đến 20% doanh thu của năm và dịp này trở thành cơ hội để bù đắp một năm buôn bán ế ẩm do suy thoái kinh tế.

Theo điều tra của Liên đoàn Người tiêu dùng độc lập Tây Ban Nha, năm nay có đến 3/4 người dân nước này én cơn nghiện mua sắm chờ đến dịp hạ giá hậu Giáng sinh. Họ cũng hy vọng giá sẽ giảm sâu hơn nữa so với các đợt trước đó.

Thuật ngữ tiêu dùng đã thay đổi trong những năm gần đây. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế còn kéo dài, hầu hết tâm lý người mua càng muốn chờ đợi, chờ đến khi nào giá giảm xuống… đáy mới mua. Hầu như khắp châu Âu, quần áo giảm giá mạnh nhất. Nếu trước Giáng sinh, những thương hiệu thời trang nổi tiếng như H&M của Thụy Điển chỉ giảm giá từ 20% đến 30% thì nay giảm đến 50%.

Theo Acotex, đợt giảm giá trước Giáng sinh chỉ giúp tăng doanh số bán lẻ ngành thời trang tháng 12 lên 1%, so với mức 3% cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người dân Mỹ cũng tận dụng mọi cơ hội để tiết kiệm chi tiêu. Theo điều tra của American Express, năm nay có đến 57% người Mỹ chờ dịp giảm giá sau Giáng sinh, so với 43% trong năm ngoái. Họ đặc biệt quan tâm đến các đợt giảm giá và lao vào các cửa hàng có chương trình khuyến mãi lớn.

Cũng chính trong thời buổi khó khăn này, nhiều hình thức kích thích người tiêu dùng mở rộng hầu bao đã được các doanh nghiệp phương Tây sử dụng, phổ biến nhất là thẻ giảm giá, hay còn gọi là coupon. Hình thức này rất quen thuộc đối với các mặt hàng thời trang và đang lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm.

Theo Information Resources Inc, 25% doanh thu của các nhãn hiệu nổi tiếng như nước súc miệng Scope, thuốc aspirin Bayer, sốt ướp thịt nướng của Kraft, ngũ cốc Kellogs và bột giặt Wisk đều đến từ coupon. Người ta có thể mua đồ gia dụng ở Sears và nhận được một phiếu coupon ăn gà nướng KFC hoặc… mua vài lít xăng. Nếu trước đây các coupon có giá trị chỉ trong mùa Noel, thì nay hầu hết chúng có hiệu lực đến vài tháng sau đó.

Với đợt giảm giá này, các nhà bán lẻ hy vọng đây trở thành cơ hội để quên đi một năm buồn tẻ và vất vả, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng mạnh tay chi tiêu vào dịp này. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục