Sân khấu khủng hoảng

Mặc dù sân khấu TPHCM được đánh giá là năng động nhất nước nhưng hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên, công tác đào tạo đến  cơ sở vật chất.
Sân khấu khủng hoảng

Mặc dù sân khấu TPHCM được đánh giá là năng động nhất nước nhưng hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên, công tác đào tạo đến  cơ sở vật chất.

  • Vòng luẩn quẩn

Hiện nay, sân khấu TPHCM không chỉ xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng, điểm diễn, mà vấn đề đào tạo đội ngũ những người làm nghề cũng đang có biểu hiện khủng hoảng.

Dù còn gặp khó khăn nhưng sân khấu xã hội hóa Idecaf đã nỗ lực làm vở kịch lịch sử Vương thánh triều Lê.

Dù còn gặp khó khăn nhưng sân khấu xã hội hóa Idecaf đã nỗ lực làm vở kịch lịch sử Vương thánh triều Lê.

Nhìn vào thực tế sàn diễn của các sân khấu hiện nay, những ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật này đều cảm thấy lo lắng. Vừa qua, trong cuộc hội thảo về thực trạng sân khấu TPHCM hiện nay, có rất nhiều ý kiến đóng góp mà những người làm sân khấu cần phải suy ngẫm. Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, hiện nay sân khấu TP còn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng khán giả, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ.

Sân khấu chưa có những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay, của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển… Áp lực thị hiếu của một bộ phận khán giả cũng là mối lo của sân khấu hôm nay. Hiện tượng kịch ma, kinh dị, kịch về đề tài đồng tính, hài hước tầm phào… gây “sốt” vé trên một số sân khấu TP là hệ quả của việc theo thị hiếu khán giả.

Còn về lực lượng diễn viên kế tục cũng đang có vấn đề. Sân khấu đâu chỉ khủng hoảng diễn viên do nhiều người phải đi kiếm kế sinh nhai như chuyển qua đóng phim truyền hình, làm MC… mà còn do chất lượng đào tạo lực lượng trẻ kế thừa hiện nay không song hành cùng với số lượng. Nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM cho biết: “Hiện nay, TP đã có hơn 3 trường chính quy đào tạo diễn viên, đạo diễn, chưa kể một loạt trung tâm đào tạo ngắn ngày với thông báo chiêu sinh đầy hấp dẫn với một khóa học nghề diễn xuất chỉ kéo dài 3 tháng. Còn lực lượng đứng lớp lại chưa thực sự đúng nghĩa. Có nghệ sĩ chỉ cần diễn một vài tác phẩm là có thể đứng lớp dạy nghề!”.

Đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM từng thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ giảng viên – thầy cô giáo giảng dạy diễn viên hiện nay đang thiếu - yếu và mỏng. “Thầy già, con hát trẻ”, hiện nay các thầy được đào tạo ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm đã nghỉ hưu gần hết, còn các thầy trẻ lại chưa đủ sức để thay thế. Bên cạnh đó, hiện nay có một thực tế là một số nghệ sĩ có nghề, có tâm, có kinh nghiệm nhưng lại thiếu quy chuẩn về bằng cấp để làm thầy, còn một số nghệ sĩ khác có đủ bằng cấp thì chỉ muốn làm nghề ở ngoài, không muốn về trường giảng dạy, vì lý do rất tế nhị, như chế độ lương thấp, môi trường làm việc không hấp dẫn. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ tồn tại nhiều năm nay, không tháo gỡ được.

  • Đào tạo theo nhu cầu?

Trước thực trạng sân khấu hiện nay, nếu không có những hoạch định mang tính chiến lược, căn cơ, thật khó lòng có được sự chuyển biến tích cực. Trong đó, đối với công tác đào tạo, nhất thiết phải có sự chuẩn bị đội ngũ thầy cô giáo có tài có đức để đủ sức đảm đương công việc giảng dạy. Khi đó mới khả dĩ góp phần đào tạo nên lực lượng diễn viên có nghề thực thụ cho sân khấu.

Tuy nhiên, trong công tác đào tạo cũng cần phải tính toán đến sự liên kết đào tạo, có sự phối hợp giữa cung và cầu để tránh sự lãng phí. Bởi theo một số nhà quản lý sân khấu, thời gian qua, lực lượng diễn viên mà các trường nghệ thuật đào tạo ra ít đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị. Chính vì thế mà ở TPHCM, có không ít đơn vị nghệ thuật mở lớp đào tạo hoặc đào tạo lại diễn viên để tự cung cấp cho mình. Những mô hình này xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, trong đó có thể kể đến lớp đào tạo lại của Nhà hát Kịch TPHCM là một điển hình.

Tuy nhiên, có một mô hình đào tạo mà thời gian qua ít nhiều mang lại những hiệu quả nhất định. Đó là việc liên kết đào tạo giữa Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM. Nhiều nghệ sĩ cải lương trưởng thành từ cách đào tạo này như các NSƯT  Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao; nghệ sĩ Mỹ Hằng, Tâm Tâm… Mới đây, mô hình này đã đào tạo được khoảng 20 gương mặt trẻ cho sân khấu cải lương. Ngoài được đào tạo trong nước, đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn, ánh sáng… và cả quản lý, điều hành nhà hát cũng rất cần được ra nước ngoài học tập, trau dồi những cái hay, cái mới của sân khấu thế giới.

Vấn đề cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật cũng cần được quan tâm, đầu tư đúng tầm. Thực trạng của hệ thống rạp hát cũ kỹ, lạc hậu như lâu nay, khó lòng có ai sáng tạo được vở diễn có nhiều cái mới, thực sự chinh phục được người xem. Với một rạp xiếc tạm bợ, một điểm diễn múa rối nay đây mai đó, các điểm diễn kịch của sân khấu xã hội hóa phải thuê mướn có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào… Và cải lương cũng trong tình cảnh dở khóc dở cười như vậy.

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục