Sân khấu mới, kịch bản cũ

Căng thẳng chính trị ở Syria đang ở giai đoạn bước ngoặt. Sáng nay, ngày 5-10, 15 thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. Dự thảo do Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha soạn thảo, đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Syria nếu nước này không đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế, dừng ngay việc trấn áp người biểu tình.

Hai ngày trước, các phong trào đối lập ở Syria đã tuyên bố thành lập mặt trận thống nhất với tên gọi Hội đồng dân tộc Syria (SNC) với tuyên bố mở cửa cho mọi công dân Syria tham gia và kêu gọi các tổ chức quốc tế bảo vệ người dân Syria. Hai động thái này chứng minh cho tuyên bố của Chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 9 rằng họ bắt đầu thay đổi chiến thuật đối với Syria: Chuyển từ kêu gọi từ chức sang các hoạt động lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Mỹ và Pháp đã cử đại sứ đến Syria để tỏ rõ sự ủng hộ của mình đối với phe đối lập khiến lực lượng này càng cương quyết gạt bỏ mọi đề nghị đối thoại của chính phủ.

Có vẻ như Syria đang được xem là sân khấu mới của kịch bản mà phương Tây đã dàn dựng ở Libya. Đầu tháng 2 năm nay, một số người Libya bất đồng chính kiến xuống đường cùng với phong trào nổi dậy của nhân dân các nước Ảrập, sau đó phương Tây hô hào ủng hộ, một mặt vận động Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Libya, một mặt thành lập mặt trận thống nhất các phe phái đối lập cũng với tên gọi hội đồng dân tộc, rồi bí mật hỗ trợ vũ khí cho họ phát động nội chiến, đồng thời vận động cộng đồng quốc tế công nhận họ là đại diện hợp pháp của quốc gia. Bước tiếp theo họ lợi dụng nghị quyết HĐBA phát động chiến tranh, lật đổ chính phủ.

Câu chuyện áp dụng kịch bản lật đổ một chính phủ mà phương Tây sử dụng ở Libya và hiện nay ở Syria khiến dư luận thế giới nhớ đến những cuộc “cách mạng màu” từ năm 2000 trở lại đây. Cuộc chiến tranh Nam Tư mà NATO phát động năm 1999 không lật đổ được Tổng thống Nam Tư lúc bấy giờ là ông Slobodan Milosevic nên trong cuộc bầu cử tổng thống nước này một năm sau đó, phương Tây đã dàn dựng kịch bản đổ tội gian lận bầu cử cho ông Milosevic, rồi dùng bộ máy truyền thông kích động dân chúng xuống đường lật đổ ông Milosevic.

Kịch bản này được áp dụng ở Gruzia bằng “Cách mạng hoa hồng” năm 2003 lật đổ người từng là đồng minh của phương Tây nhưng “không còn tác dụng” là ông Shevardnadze, “Cách mạng cam” ở Ukraine năm 2004 phế truất ông Yanukovich thân Nga… Mẫu số chung là Mỹ và phương Tây thông qua kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tôn giáo và sau đó là chính trị để tuyên truyền các giá trị của mình đối với người dân ở quốc gia mục tiêu, tạo cho họ tâm lý hoài nghi đối với chính quyền hiện hành không thân Mỹ. Từ khi chính quyền Syria thể hiện nhiều quan điểm đối lập với chính quyền cựu Tổng thống Bush vào năm 2005, Mỹ đã chi hàng tỷ USD để tài trợ cho các phe nhóm đối lập.

Trình tự cũ nhưng được các “chuyên gia lật đổ” khai thác, biến hóa linh hoạt, vừa đáp ứng được cái gọi là nhân danh nhân quyền và dân chủ, lại thỏa mãn được mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế của phương Tây ở các khu vực trên thế giới.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục