Những sản phẩm vốn được xem là đồ truyền thống, mai một dần theo thời gian và bị thay thế bởi hàng nhựa, kim loại… như mây tre đan nhưng nay lại được hồi sinh. Chính vẻ mới lạ, cách tân, đáp ứng được tiêu chí an toàn, thân thiện với môi trường nên đã thu hút được khách hàng.
Theo chị Lê Mai Ngân, nhân viên truyền thông của một cửa hàng mây tre đan tại quận Bình Thạnh (TPHCM), người tiêu dùng ngày càng tinh tế. Thu nhập cao hơn, cuộc sống được cải thiện nên nhiều người có nhu cầu tìm về với thiên nhiên qua những sản phẩm nội thất hoặc thời trang, may mặc… Đồ mây tre đan, đồ dệt từ lục bình, cỏ bàng khiến nhiều người mê mệt. KTS Mai Công Quân (ngụ tại quận Gò Vấp) tâm sự, căn nhà nếu được thiết kế nội thất hài hòa từ các vật liệu bằng tre, nứa sẽ giúp chủ nhân thoải mái, giảm căng thẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thêm nữa, các sản phẩm này còn giúp căn nhà thêm thân thiện môi trường, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.
Rõ ràng, xu hướng dùng sản phẩm “ngày xưa” nhưng vẫn có nét hiện đại, cá tính đã tạo nên gu thẩm mỹ riêng cho người sử dụng. Nhìn những chiếc túi thời trang đan bằng lục bình hoặc rơm kết hoa hồng xinh xắn được các bạn trẻ đeo dạo phố, dạo bãi biển khiến người đối diện “chết mê”. Một người bán hàng cho biết, khi thị trường xuất hiện loại túi vải, túi da hiện đại nào, người thợ thủ công cũng có thể kết được túi có kiểu dáng tương tự từ lục bình, rơm… Chưa kể sản phẩm làm bằng chất liệu hoàn toàn thiên nhiên, nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với túi cùng loại làm từ chất liệu khác. Hiện giá bán các loại túi đeo, túi xách thời trang làm từ lục bình hoặc rơm dao động từ vài trăm ngàn đồng tới vài triệu đồng/sản phẩm. Riêng sản phẩm trang trí, đồ nội thất (ghế sofa, xích đu, bàn làm việc…) có giá từ 900.000 đồng - 1 triệu đồng/sản phẩm, tùy loại. Thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng mây tre đan, hiện nay hàng hóa của nước ta xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan… nên tạo thêm thu nhập cho người lao động.
Đối với thị trường TPHCM, các cơ sở mây tre đan, lục bình tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng khá nổi tiếng. Tuy vậy, để dòng sản phẩm này đến trực tiếp khách hàng nội địa lại là một câu chuyện khác. Bởi thực tế, bà con nông dân chưa biết cách quảng bá sản phẩm. Chị Hồng Thu, một người con của huyện Hóc Môn, mới tham gia bán sản phẩm mây tre đan trên mạng vài tháng qua chia sẻ, tất cả sản phẩm cung cấp cho khách đều được chị thu gom từ người quen tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. Điều thú vị ở chỗ, mặc dù sản phẩm mây tre đan của 2 huyện này khá nổi tiếng, nhưng nhiều khách hàng, bạn bè của chị Hồng Thu vẫn hỏi “hàng lấy ở đâu mà đẹp vậy?”, vì nhiều người không nghĩ rằng, ngay tại TPHCM vẫn có những làng nghề truyền thống cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng, đẹp mắt đến vậy. Chưa kể, mức giá bán khá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Chị Hồng Thu tâm sự, việc khởi xướng bán hàng online xuất phát từ tình yêu các sản phẩm thân thương, gắn liền ký ức tuổi thơ (đệm cỏ bàng, giỏ xách học trò…), được chính bà con nông dân quê chị tâm huyết làm ra. Chị Hồng Thu mong muốn những sản phẩm của bà con quê chị ngày càng được nhiều người yêu mến, sử dụng.
Thời gian qua, ngành du lịch TPHCM cũng đã tích cực tìm cách kết nối, làm sống dậy các làng nghề; trong đó có làng nghề mây tre đan truyền thống. Tuy nhiên, kỳ vọng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều sản phẩm sản xuất trực tiếp tại các làng nghề nói trên của TPHCM nhưng người dân TP ít biết tới. Thậm chí có người đặt mua hàng cùng loại từ những tỉnh, thành khác. Vậy làm thế nào để quảng bá sản phẩm, vẻ đẹp của các làng nghề mây tre đan truyền thống TPHCM tới người tiêu dùng một cách rộng rãi hơn? Thắc mắc này chắc hẳn lãnh đạo TP đã biết nhưng… cần thời gian để có câu trả lời.