Sáng nay, 2-3, tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn Phòng Công nghiệp –Thương Mại Đức tại Việt Nam phối hợp với tổ chức Messe Dusseldorf Đức và Hiệp hội nhựa Việt Nam tổ chức hội thảo về xu hướng phát triển ngành nhựa & cao su toàn cầu & giới thiệu hội chợ quốc tế K 2016.
Trưởng phòng Công nghiệp thương mại Đức giới thiệu về quy mô hội chợ K 2016
Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, ông Hồ Đức Lam cho biết trong giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam từ 16% -18% năm, chỉ sau ngành viễn thông và dệt may. Trong đó có những mặt hàng nhựa có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với mức tăng trưởng như vậy, ngành nhựa được đánh giá lá một trong những ngành năng động, mũi nhọn của Việt Nam.
Năm 2015, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến 159 thị trường trên thế giới, với mức tăng trưởng cả năm là 12,4% so với năm 2014, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,405 tỷ đô.
Ông Lam cũng cho biết dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, vì phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào chưa kể hàng trăm hóa chất phụ trợ khác trong khi khả năng trong nước chỉ đáp ứng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất phụ gia cho nhu cầu. Dự báo đến năm 2020, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Đại diện phòng Công nghiệp –Thương mại Đức, ông Gernot Ringling cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam tham gia triển lãm K 2016 sẽ diễn ra trong tháng 10. Ông kỳ vọng thông qua hội chợ K 2016, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, tiếp xúc với các trang bị máy móc công nghệ phù hợp với việc sản xuất.
Gia Lynh