Sẵn sàng hiến máu cứu người

Họ không giàu tiền bạc nhưng biết sống hết mình vì mọi người, sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. Họ có tấm lòng nhân ái và chung trái tim thiện nguyện. Sự hào hiệp của họ đã đem đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch.
Sẵn sàng hiến máu cứu người

Họ không giàu tiền bạc nhưng biết sống hết mình vì mọi người, sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. Họ có tấm lòng nhân ái và chung trái tim thiện nguyện. Sự hào hiệp của họ đã đem đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch.

Những kỷ lục gia hiến máu

Từ khi mới 12 tuổi, anh Nguyễn Hữu Thuận (42 tuổi, ngụ tại quận 7, hiện đang công tác tại Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) đã ý thức được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Anh Thuận kể, lần đó, anh cùng gia đình đưa em gái bị sốt xuất huyết đến Bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị. Trong lúc chờ đợi, anh gặp một bà mẹ trên tay ôm đứa con nhỏ, chạy dọc hành lang gặp ai cũng hỏi xin máu để kịp cứu con mình nhưng không được giúp. Hình ảnh đứa bé phải chết trên tay bà mẹ vì không kịp tiếp máu khiến anh bị ám ảnh. Từ đó, anh đã tâm nguyện khi lớn lên sẽ hiến máu cứu người và rồi khi đủ 18 tuổi, anh bắt đầu đi hiến máu. 24 năm qua, anh Thuận đã có đến 86 lần hiến máu tình nguyện với gần 180 đơn vị máu, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh “Người có số lần hiến máu với số đơn vị máu nhiều nhất Việt Nam”. Anh Thuận tâm sự: “Mình còn khỏe thì sẽ tiếp tục cho đi những giọt máu của mình, biết đâu những người được mình cứu sống là nhân tài của đất nước sau này”.

Người có số lần hiến máu nhiều thứ hai là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (53 tuổi, ngụ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM), với 85 lần hiến máu. Bà đang sống cùng vợ chồng cô con gái út trong một căn phòng trọ chỉ rộng hơn 10m2, bốn bề là vách tôn, trưa nóng như trong lò, hễ mưa là ngập. Vậy mà người phụ nữ quen sống cảnh thiếu thốn ấy lại có tấm lòng thật nhân ái suốt 22 năm qua. Nhớ lại những ngày đầu tình nguyện hiến máu, bà Nhàn kể: “Năm 1994, khi ấy tôi đang làm cho một công ty hải sản, chưa biết hiến máu là gì. Thấy có tấm băng rôn vận động người dân tham gia hiến máu, tôi đi chỉ vì tò mò. Đến khi tận mắt chứng kiến cảnh một đứa trẻ bị ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, tôi mới thực sự hiểu ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu cứu người. Nhìn bà mẹ bế con đi khắp bệnh viện xin máu nhưng không ai giúp, các bác sĩ của bệnh viện vận động cũng không có kết quả, tôi xót xa nghĩ nếu đó là người thân của mình thì sao đành lòng, thế là tôi nhận hiến máu”.

Vậy là từ đó, bà Nhàn thành tình nguyện viên hiến máu, khi hay có người bệnh cần máu, bà không quản ngại đường xa, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để đi xe ôm, xe đò, giấu gia đình đi hiến máu ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Hiện bà là tình nguyện viên tích cực của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM. Thời trẻ bà bươn chải với nhiều nghề như làm công nhân, giúp việc nhà, đến khi bị bệnh khớp hoành hành, sức khỏe yếu, bà nhận giặt đồ thuê để mưu sinh qua ngày, vậy mà vẫn tham gia việc hiến máu cứu người đến tận hôm nay. Bà Nhàn tâm sự: “Người ta khá giả thì giúp tiền, giúp vật chất cho người gặp cảnh khó; còn tôi nghèo thì hiến máu cứu người. Nhờ máu của mình mà bao nhiêu người được cứu sống, vậy là vui là hạnh phúc, chứ chẳng cần được trả ơn gì”.

Phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng thu hút nhiều người tham gia

Tri ân những tấm lòng hào hiệp

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, nhận xét: “Trong những năm qua, công tác hiến máu nhân đạo đã đóng góp rất nhiều cho xã hội, tỷ lệ hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước. TPHCM là lá cờ đầu của phong trào hiến máu nhân đạo cả nước. Phong trào mang tính xã hội - nhân đạo có sức lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia, cung cấp một lượng lớn nhu cầu máu sạch, có chất lượng để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện TPHCM. Nhờ vậy, trong những năm gần đây đã giải quyết được tình trạng thiếu máu trong các dịp tết, hè và nhất là luôn duy trì được lượng máu ổn định để cấp cứu và điều trị, không có tình trạng thiếu máu cũng như máu cận hạn sử dụng. Nhận thức của xã hội về công tác hiến máu tình nguyện đã có chuyển biến tích cực. Trước đây, đối tượng tham gia hiến máu chủ yếu là sinh viên, hiện nay các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, thanh niên, lực lượng vũ trang, người dân ở cộng đồng dân cư cũng hưởng ứng nhiệt tình và có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe để sẵn sàng hiến máu khi cần”.

Bà Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, cho biết trên địa bàn TP tập trung nhiều bệnh viện chuyên khoa, thu hút nhiều bệnh nhân các tỉnh, thành đến khám và điều trị. Hầu hết các trường hợp cấp cứu cần máu điều trị cho bệnh nhân các tỉnh, thành đều từ nguồn máu nhân đạo của người dân TPHCM. Hiện TPHCM có 54 câu lạc bộ hiến máu với tổng số 22.280 thành viên. Trong đó, có 1 câu lạc bộ máu hiếm, ra đời từ năm 2001, để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

Không chỉ những đợt phát động lớn như Hành trình đỏ, Ngày Chủ nhật đỏ… mà những ngày bình thường, các điểm quận đều tiếp nhận hàng chục người đến hiến máu mỗi ngày. Ngoài ra còn có lượng tình nguyện viên cơ hữu để hỗ trợ những ca cần máu đột xuất. Bà Tố chia sẻ: “Tấm lòng của người dân TPHCM vô cùng nhân ái, dù bận rộn với công việc nhưng đội ngũ tình nguyện viên vẫn tham gia hiến máu đều đặn, nhiệt tình. Không lời nào có thể kể hết nghĩa cử cao đẹp của họ khi mang đến niềm tin, hy vọng cho nhiều người bệnh. Chúng tôi luôn trân trọng, tri ân những tấm lòng cao cả ấy và hy vọng nghĩa cử này sẽ được nhân rộng hơn nữa”.

THU HƯỜNG - HỒNG LỢI

Tin cùng chuyên mục