Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, đơn vị nghệ thuật nào mở rộng được thị trường biểu diễn thì không chỉ tìm được khán giả mới mà còn làm cho những chương trình, vở diễn, tài năng nghệ thuật của đơn vị mình không bị lãng phí.
Khởi sắc trong nước
Trong những năm qua, một số đơn vị nghệ thuật ở TPHCM chủ động mở rộng thị trường biểu diễn để tìm khán giả mới cho mình. Trong số đó có thể kể đến Nhà hát Kịch TPHCM đưa kịch lưu diễn miền Trung; Sân khấu Kịch Phú Nhuận lưu diễn miền Tây và Mỹ; NSƯT Kim Tử Long thực hiện chương trình cải lương lưu diễn phục vụ khán giả mộ điệu ở Hà Nội; Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM cũng phối hợp với đối tác lưu diễn Hà Nội, miền Trung và Đông Nam bộ…
Hầu hết những chuyến lưu diễn này đều gặt hái được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của NSƯT Kim Tử Long, việc tổ chức lưu diễn như thế khá tốn kém nên giá vé cao làm hạn chế về mặt khán giả. Chính vì thế mà trong thời gian tới, anh sẽ mời gọi một số nghệ sĩ ở Hà Nội cùng biểu diễn để có thể giảm chi phí, giảm giá vé, phục vụ được đông đảo khán giả hơn.
Còn Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM, sau khi lưu diễn khá thành công ở miền Trung, Hà Nội, nay phấn khởi chuẩn bị cho những mùa lưu diễn sau.
Những thành công này đã minh chứng một điều, nếu đơn vị nghệ thuật, “bầu” hát nào mạnh dạn đi tìm thị trường biểu diễn, giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, có chất lượng, khán giả sẽ không phụ lòng.
Bung ra nước ngoài
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều đơn vị nghệ thuật chưa thật chủ động mở rộng thị trường biểu diễn ở các nước, nhưng theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Võ Trọng Nam, thành phố cũng đã góp phần rất lớn việc mở rộng thị trường biểu diễn cho một số nghệ sĩ, loại hình nghệ thuật thông qua các chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa, tuần văn hóa phục vụ bà con kiều bào mỗi dịp lễ, tết. Những chương trình này được duy trì tổ chức thường xuyên và được đông đảo ca sĩ, nghệ sĩ tích cực tham gia.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Võ Trọng Nam, việc mở rộng thị trường biểu diễn quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa có rất nhiều cách. Trong đó, chúng ta có thể tổ chức những liên hoan quốc tế để mời gọi các đơn vị bạn đến tham dự hoặc chủ động dự các liên hoan quốc tế ở một số nước để qua đó “nâng tầm” thương hiệu cũng như tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn.
Nhưng muốn thực hiện được điều này rõ ràng phải có sự hỗ trợ, tiếp sức của thành phố chứ các đơn vị nghệ thuật không thể nào “tự thân vận động” mà thành công. Chính vì thế mà thời gian tới, thành phố sẽ chủ động nâng cấp chương trình Giai điệu mùa thu để không chỉ thu hút các tài năng nghệ thuật của Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài về biểu diễn mà còn mời gọi nghệ sĩ ở một số nước tham gia. Đồng thời, ngành văn hóa thành phố cũng đang hoạch định, tính toán và xin ý kiến thành phố tổ chức thêm một số liên hoan nghệ thuật truyền thống, liên hoan các ban nhạc trẻ…
Thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật tham dự các liên hoan quốc tế, tiếp cận với bạn bè, đồng nghiệp và khán giả các nước. Trên thực tế, thời gian qua, loại hình múa rối, xiếc… đã tham dự khá nhiều liên hoan và cũng rất thành công, được đông đảo công chúng đón nhận.
Có thể nói, trong thời hội nhập và phát triển, việc mở rộng thị trường biểu diễn nghệ thuật là một đòi hỏi cấp thiết và quan trọng, nếu như các đơn vị nghệ thuật không thực sự chủ động để tham gia thì chẳng khác nào tự mình “bó hẹp” mình và đánh mất thị phần công chúng!
| |
Đỗ Hạnh