Anh nông dân Nguyễn Hồng Nghĩa, ngụ ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi (TPHCM) sinh ra và lớn lên trong một gia đình bao đời gắn bó với ao cá, với mô hình ươm, nuôi cá nước ngọt như cá trê, cá trắm, cá tra, cá hường, cá sặt, cá rô… Qua quá trình chăm sóc đàn cá của gia đình, anh nhận thấy con cá trê lai (được lai từ cá bố mẹ là cá trê vàng đồng và cá trê phi) có nhiều ưu điểm như khả năng phát triển tốt, thịt ngon, số lượng sản xuất nhiều, giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng… nên anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất cá bột giống từ loài cá này.
Nghĩ là làm, năm 2000, chàng thanh niên ở tuổi 22 Nguyễn Hồng Nghĩa quyết định tách khỏi công việc của gia đình để bắt đầu sự nghiệp cho riêng mình. Anh mượn gia đình 3.000m² đất để làm ao hồ và đầu tư vốn khoảng 2 - 3 triệu đồng để sản xuất. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, những kiến thức trong Trường Trung cấp Thủy sản mà anh theo học 2 năm không áp dụng vào thực tế được bao nhiêu. Anh tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nhưng không phải ai cũng nhiệt tình hướng dẫn.
Lần sản xuất đầu tiên do anh chưa có kinh nghiệm nên cá bột chết nhiều, thu nhập không được bao nhiêu. Tuy vậy, anh không nản chí. Trong một thời gian dài anh rong ruổi khắp các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… để học hỏi kinh nghiệm của những người chuyên sản xuất cá bột giống, áp dụng ngay vào mô hình của mình. Rồi những ngày gian nan, vất vả của anh cũng được bù đắp khi các lần sản xuất sau đó số lượng cá bột được nhiều hơn và cho thu nhập ngày càng cao. Hiệu quả nhất là từ năm 2005, anh nuôi được đàn cá bố mẹ cho trứng đạt và thuận mùa. Một đêm, đàn cá của anh sản xuất khoảng 9 triệu con, với giá 7 đồng/con, anh thu được 63 triệu đồng. Sau những năm sản xuất hiệu quả, anh tích lũy vốn, mở rộng quy mô.
Nông dân Nguyễn Hồng Nghĩa kiểm tra cá bột trước khi xuất bán
Hiện nay, anh có 10.000m2 đất, trong đó, anh dành 6.000m2 đất để sản xuất cá bột giống. Anh cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tỷ con cá trê bột/năm. Sản phẩm của anh cung cấp rộng khắp thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và được thương lái xuất sang cả nước bạn Campuchia. Sau khi trừ các khoản chi phí đã đem về thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng/năm.
Quy trình sản xuất ra cá bột còn tùy vào điều kiện thời tiết, nguồn nước, trứng, tinh trùng của cá bố mẹ; cách thức thụ tinh và quá trình chăm sóc khác nhau, không thể áp dụng theo công thức có sẵn mà làm được. Thời gian chích thuốc cho trứng già rụng rồi cho trứng thụ tinh phải được canh rất cẩn thận, có khi phải thức cả đêm để canh giờ. Anh cho biết, thời gian sản xuất chỉ mất 5 - 6 ngày, nhưng quãng thời gian đó phải theo sát và chính xác từng công đoạn thì số lượng cá bột có được mới như mong muốn. Giờ đây, nhớ lại những ngày gian khó và cũng để đáp trả ân tình với mảnh đất, lòng người, anh đã nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, con giống, vật tư cho những hộ nông dân muốn gắn bó với nghề này và giúp họ bước đầu sản xuất mang lại nhiều kết quả.
Ghi nhận những việc làm của anh Nguyễn Hồng Nghĩa, ông Phạm Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, cho biết: “Trong thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang giống cây trồng có giá trị kinh tế cao thì mô hình của anh Nghĩa đã chọn đúng định hướng của xã là tận dụng nguồn nước kênh Đông để nuôi trồng thủy sản”. Anh Nguyễn Hồng Nghĩa đã được công nhận là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, thành phố và trung ương; được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
YÊN NHUNG