Sản xuất cá cảnh cần sự liên kết

Cùng với hoa kiểng, TPHCM đã nhìn thấy thế mạnh và có bước đi khá bài bản về việc phát triển cá cảnh thành một ngành nông nghiệp mũi nhọn từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến nay, thiếu tính liên kết là một trong những lý do làm nghề này vẫn chưa tạo được sức bật như mong muốn dù có sự phát triển về chiều rộng.
Sản xuất cá cảnh cần sự liên kết

Cùng với hoa kiểng, TPHCM đã nhìn thấy thế mạnh và có bước đi khá bài bản về việc phát triển cá cảnh thành một ngành nông nghiệp mũi nhọn từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến nay, thiếu tính liên kết là một trong những lý do làm nghề này vẫn chưa tạo được sức bật như mong muốn dù có sự phát triển về chiều rộng.

Thiên thời, địa lợi...

Nếu nói cá cảnh có ưu thế phát triển ở phía Nam thì TPHCM chính là nơi tập trung nhiều người nuôi cá cảnh nổi tiếng với tay nghề và kinh nghiệm từ trước năm 1975 cùng những hậu duệ tiếp nối. Đặc biệt, những người mới tham gia nuôi sau này với kiến thức khá bài bản đã tạo nên một lực lượng hùng hậu cả về tay nghề và năng lực kinh doanh. Nhờ đó, hình thành nên thế mạnh khác là thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo các loài cá cảnh nhập nội như cá chép Nhật, cá ông tiên, cá dĩa… cũng như cá bản địa.

TPHCM còn có một thế mạnh tự nhiên không kém phần quan trọng cho nghề cá cảnh, các sinh vật dùng làm thức ăn tự nhiên (mồi sống) để ương - nuôi cá cảnh là trùn chỉ (Tubifex), bo bo (Moina, Daphnia), lăng quăng… có nhiều ở các sông rạch.

Xác định cá cảnh cùng với hoa kiểng sẽ là những cây, con chủ lực có thể giúp cho người dân tạo ra giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích nên ngay từ đầu những năm 2000, TPHCM đã có khá nhiều chủ trương, chính sách phát triển nền nông nghiệp đô thị nói chung và cá cảnh nói riêng như về vốn vay ưu đãi, quy hoạch thành khu sinh vật cảnh quy mô 500ha dọc theo sông Sài Gòn ở huyện Củ Chi, từ xã Phú Hòa Đông qua xã Trung An… cũng như quy hoạch thêm 500ha ở huyện Bình Chánh cho việc phát triển sinh vật cảnh. TPHCM cũng đã quy hoạch để hình thành trung tâm giao dịch các loại nông sản, bao gồm cá cảnh ở huyện Củ Chi.

TPHCM còn là nơi đầu tiên tổ chức thành công festival sinh vật cảnh cả nước từ năm 2006, mà ý tưởng ban đầu là cả cảnh, quy tụ nhiều địa phương cùng tham gia. Câu lạc bộ Cá cảnh cũng được thành lập từ năm 2004, sau đó chuyển lên Hội Cá cảnh TP nhằm tập hợp lực lượng nuôi và kinh doanh cá cảnh để có thể phối hợp và liên kết trong việc nuôi, kinh doanh xuất, nhập khẩu cá cảnh.

Liên kết là khâu hạn chế nhất do nghề này vốn dĩ gần như cha truyền con nối, nếu không liên kết thì không thể phát triển. Có thể nói, TPHCM là nơi hội tụ gần như đầy đủ các điều kiện cần thiết cho sự phát triển thành ngành sản xuất lớn cá cảnh công nghiệp.

Sản xuất cá cảnh cần sự liên kết ảnh 1

Nuôi cá Koi (cá cảnh) xuất xứ từ Nhật Bản tại Công ty TNHH TM - DV Hải Thanh. Ảnh: KIM NGÂN

Cần tạo sự đột biến

Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm sản xuất cá cảnh TP có tốc độ phát triển khoảng 20%. Cá cảnh trở thành lĩnh vực có bước phát triển cao nhất trong các loại cây, con của TPHCM. Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, hiện có 283 cơ sở sản xuất cá cảnh các loại, tăng gần 3 lần so với đầu những năm 2000. Năm 2011, TPHCM xuất khẩu 8,6 triệu con cá cảnh các loại, đạt 12 triệu USD. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2012 đạt 36 triệu con, tăng 9% so với cùng kỳ 2011 và đạt 51,2% kế hoạch. Lượng cá xuất khẩu qua kiểm dịch là 4,5 triệu con, tăng 12,5% so cùng kỳ. Dù vậy, để đạt sản lượng cá cảnh 100 triệu con, xuất khẩu 20-30 triệu con, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30-40 triệu USD vào năm 2015 xem ra khó đạt được nếu không có sự đột biến.

Thực tế mà nói, nghề nuôi cá cảnh TPHCM do xuất phát điểm rất thấp nên tốc độ phát triển cao như vậy không là điều ngạc nhiên. Một thực tế khác, giá trị của cá cảnh tạo ra trong toàn bộ giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp TP chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Với tình hình hiện nay thì 5-10 năm nữa chưa thể làm bật dậy để đuổi theo con số xuất khẩu 50 triệu USD/năm của Thái Lan hiện nay.

Nhìn lại việc phát triển cá cảnh đến nay vẫn là nuôi và kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ như trước dù có sự phát triển về chiều rộng. Những cơ sở nuôi quy mô lớn như Saigon Aquarium (khoảng 10ha) xã Tân An Hội, huyện Củ Chi rất ít. Mỗi hécta nuôi cá cảnh ở đây có doanh thu lên đến cả tỷ đồng/năm. Rất tiếc, những kế hoạch phát triển cá cảnh của TP triển khai chậm.

Dự án về làng cá cảnh TP tại Củ Chi đã được nói đến cách đây cả chục năm qua, đến nay dự án này trở thành làng nghề sinh vật cảnh và vẫn ở giai đoạn triển khai để tìm ra mô hình cho cả khu vực. Như vậy, mơ ước về một nơi chuyên nuôi cá cảnh tập trung vẫn chưa thể hình thành.

Trong khi đó, sau lần tổ chức lễ hội sinh vật cảnh, thực chất là hội chợ cá cảnh mở rộng thành công và tạo được tiếng vang ngoài mong đợi năm 2006, 3 lần tổ chức sau đó ngày càng teo tóp về quy mô rồi mất hẳn. Có thể nói, nội bộ ngành cá cảnh và các tổ chức ngành nghề chưa được “nhân hòa”. Thực tế bị chia nhỏ ra thành những câu lạc bộ hay chi hội khác nhau, không ai chịu ai.

Cùng với sự chậm trễ trong tiển khai và thay đổi về quy hoạch, việc sản xuất manh mún, tổ chức bị chia nhỏ không thể tạo ra sức mạnh cho ngành cá cảnh phát triển. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành này không còn những hoạt động sôi nổi như trước, nhất là về việc liên kết, tập hợp lực lượng, xúc tiến thương mại nên chưa thể phát triển như mong muốn.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục