3 đạo luật then chốt
Trước đó, năm 2022, chi tiêu xây dựng liên quan đến ngành sản xuất đạt 108 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Những dấu hiệu về sự hồi sinh của các ngành sản xuất công nghiệp tại Mỹ ngày một rõ nét. Theo giới quan sát, dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, ngành sản xuất của Mỹ đã hướng theo con đường gia công. Điều này đã đánh mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động Mỹ, nhưng lại nâng cao lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.
Chính phủ Mỹ, qua nhiều nhiệm kỳ, đều tìm cách đưa ngành sản xuất quay trở về nước nhưng không thực sự thành công, trong đó có chính phủ của Tổng thống Donald Trump với việc khởi xướng chương trình Nước Mỹ trước tiên và Made in USA. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Mỹ cảm nhận được cơn khủng hoảng thực sự khi khẩu trang và máy thở đều nằm trong tay Trung Quốc. Điều này đã hối thúc chính phủ của Tổng thống Joe Biden quay lại chính sách sản xuất công nghiệp, tái định hình ngành sản xuất của Mỹ.
Khuôn khổ của chính sách sản xuất công nghiệp của Chính phủ Mỹ đương nhiệm là Đạo luật giảm lạm phát, Đạo luật chip và khoa học, Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm. 3 đạo luật then chốt này trở thành căn cứ pháp lý để chính phủ thực hiện chính sách sản xuất công nghiệp. Các cơ quan hành chính của Mỹ đã triển khai cụ thể một loạt biện pháp chính sách để hiện thực hóa 3 đạo luật này, với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp then chốt như xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành sản xuất trong nước hiện đại, năng lượng sạch… tạo ra hàng triệu việc làm cho nước Mỹ.
Mảnh đất của sáng tạo
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sức mạnh tổng hợp và năng lực đổi mới sáng tạo của Mỹ, sẽ là sai lầm chiến lược nếu đánh giá thấp sự hồi sinh ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ.
Các công ty nước ngoài cũng đánh giá tích cực về sự hồi sinh của ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ. Tháng 3-2023, Tập đoàn LG của Hàn Quốc thông báo đầu tư dự án trị giá 5,5 tỷ USD ở bang Arizona, trở thành dự án đầu tư pin điện lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ. Trước đó, tháng 10-2022, công ty pin điện CATL của Trung Quốc thông báo đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy gần TP Las Vegas thuộc bang Nevada. Nhà sản xuất pin Gotion của Trung Quốc cũng đang xây dựng một nhà máy pin điện trị giá 2,4 tỷ USD ở Mỹ.
Chỉ số quan trọng để đánh giá “liệu Mỹ có sức sống hay không” là sự đổi mới sáng tạo của Mỹ. ChatGPT chỉ là một ví dụ mới nhất về sự đổi mới sáng tạo của quốc gia này.
Chip là ngành được Chính phủ Mỹ triển khai thực hiện chính sách sản xuất công nghiệp mạnh mẽ nhất. Dưới sự thúc đẩy của chính phủ, các công ty địa phương và công ty nước ngoài lần lượt xây dựng nhà máy ở Mỹ. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Mỹ, hơn 40 dự án với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ USD đã được công bố.