“Sản xuất lúa năm 2010, cần phải triển khai quyết liệt đầu tư máy sấy lúa cho nông dân”, là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng tại hội nghị “Tổng kết sản xuất lúa năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 ở các tỉnh Nam bộ” diễn ra vào ngày 22-1 tại Cần Thơ.
Năm 2009, sản xuất lúa tuy gặp khó khăn do ảnh hưởng của lũ, thời tiết thủy văn bất thường, sâu bệnh… nhưng sản lượng lúa ở ĐBSCL đạt gần 21 triệu tấn, tăng hơn 120.000 tấn so với năm 2008. Trong toàn vùng Nam bộ hiện có 3.193 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) và 4.243 máy gặt xếp dãy, đảm bảo thu hoạch bằng cơ giới 30% diện tích; với hơn 7.000 lò sấy lúa năng lực sấy đạt 25,5% tổng sản lượng lúa hè thu.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch như: sấy, chế biến, bảo quản… chưa tốt nên chất lượng gạo thấp. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Nếu giải quyết được khâu sấy thì khâu tồn trữ, bảo quản, xuất khẩu được đảm bảo hài hòa”.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: Nếu 1 hộ sản xuất 1 ha lúa thì số lúa sau thu hoạch chỉ sấy trong 1 ngày là xong, như vậy sẽ rất tốn kém. Do đó, mỗi hợp tác xã nên có hệ thống sấy để tiết kiệm chi phí. Ngân hàng Thế giới (WB) đang có dự án “Tăng cường khả năng cạnh tranh nông nghiệp”, và đang khảo sát để thực hiện ở tỉnh An Giang (về sản xuất lúa) và Tiền Giang (cây ăn trái). Mỗi tỉnh sẽ được viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD.
Đây là cơ hội cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Dự án sẽ ưu tiên hàng đầu cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch. Tuy nhiên, điều kiện để được WB tài trợ là nông dân và doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với nhau.Ngoài ra, việc đầu tư trạm bơm điện cần được địa phương quan tâm hơn.
Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, trong năm 2010, tình hình xâm nhập mặn và khô hạn sẽ khó khăn hơn cho sản xuất. Do đó, việc nạo vét kênh mương, đầu tư trạm bơm điện… là việc cần thiết.
L.Chinh