Các nhà khoa học rất lo lắng trước việc những túi hứng lũ ở ĐBSCL là tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đang được khai thác triệt để với việc xây dựng hệ thống đê bao khép kín để làm lúa vụ 3. Xét trong mọi điều kiện, sản xuất lúa vụ 3 mất nhiều hơn được. Trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương vẫn tiếp tục mở rộng lúa vụ 3 trong khi không quản lý nổi tình trạng sản xuất tự phát của nông dân.
Lợi lớn trước mắt
Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT, từ năm 2011, vùng ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất lúa vụ 3, diện tích tăng lên 600.000ha, gấp đôi so với 5 năm trước. Tỉnh An Giang hiện có 176.000ha đất có khả năng sản xuất vụ 3. Trong đó, diện tích lúa vụ 3 chiếm 150.000ha, phần còn lại là hoa màu. Diện tích xả lũ bình quân chỉ còn khoảng 7.000 - 10.000ha. Theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích sản xuất vụ 3 của An Giang gần 200.000ha.
Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: “Năng suất lúa sản xuất vụ 3 trung bình là 5,7 - 6 tấn/ha, sản lượng 870.000 tấn, có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay”. Năm 2012, giá thành lúa vụ 3 khoảng 4.300 - 4.600 đồng/kg, với giá bán 5.800 - 6.600 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 2.000 đồng/kg; đạt lợi nhuận 11 - 12 triệu đồng/ha. Năm 2011, lúa vụ 3 trúng giá, nông dân lãi 17 - 19 triệu đồng/ha. Vụ 3 được nông dân xem là chính vụ vì có năng suất, giá bán cao hơn vụ hè thu.
Tỉnh Đồng Tháp cũng tăng diện tích lúa vụ 3 chóng mặt, từ 60.201ha năm 2010 lên gần 99.000ha năm 2011. Năm 2012, kế hoạch 110.000ha nhưng để đảm bảo ăn chắc, chỉ xuống giống 80.989ha, đạt năng suất 5,5 tấn/ha. Tại Kiên Giang, năm 2011, kế hoạch lúa vụ 3 chỉ có 36.000ha nhưng thực tế nông dân xuống giống hơn 55.700ha, trong đó có nhiều diện tích ngoài vùng quy hoạch. Năm 2012, diện tích gieo sạ lúa vụ 3 lên gần 73.000ha.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nhận định: Lúa vụ 3 góp phần tăng sản lượng lương thực của tỉnh hơn 350.000 tấn, chiếm 8,16% sản lượng lúa cả năm, tăng thu nhập cho nông dân. Giá lúa vụ 3 cao hơn vụ hè thu nên khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích...
Mất nhiều trong dài hạn
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và các hệ thống tự nhiên ở ĐBSCL, cho rằng lợi ích của sản xuất lúa vụ 3 góp phần phục vụ an ninh lương thực, giúp Việt Nam giữ được ngôi vị nhất, nhì trong xuất khẩu gạo, mang lại ngoại tệ cho quốc gia. Đồng thời tạo việc làm cho nông dân trong mùa lũ, mang lại thu nhập cho họ. Đây là những yêu cầu trước mắt.
Trong dài hạn, cần phải xét lợi ích và chi phí của việc canh tác lúa vụ 3 trên 3 mặt: tài chính, môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL, 2 vùng trũng của ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích 1,2 triệu ha là nơi trữ nước vào mùa lũ và điều tiết nước giúp cân bằng mặn, ngọt. Khi mở rộng diện tích lúa vụ 3 trên 2 khu vực này, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đê bao khép kín, từ chối việc nhận nước lũ, đương nhiên mặn sẽ xâm nhập sâu vào mùa khô. Hơn nữa, áp lực nước bên ngoài đê bao sẽ gây ngập các vùng khác, nhất là vùng hạ lưu. Đây là những thiệt hại lớn chưa tính được.
Báo cáo nghiên cứu tại xã Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười cho thấy: Sau 8 - 10 năm canh tác 3 vụ, độ dày tầng đất mặt đất lúa 3 vụ (đê bao kín) là 14,5 - 14,7cm, trong khi đất lúa 2 vụ là 17,2cm. Với đê bao lửng, lượng phù sa sau lũ khoảng 5,6 - 6,4 tấn/ha. Trong khi đó, một nghiên cứu về sản xuất lúa vụ 3 tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines cho thấy năng suất giảm 44% trong mùa khô (bình quân 1,6%/năm); 58% vào đầu mùa mưa (2%/năm) và 38% vào cuối mùa mưa (1,4%/năm).
Các chuyên gia đặt vấn đề: Canh tác 3 vụ/năm có bền vững trong dài hạn không? Nên đầu tư vào tăng lượng hay tăng chất? Đê bao chống lũ triệt để có phải được nơi này, hại nơi khác? Nếu tính tất cả lợi ích và chi phí, nhìn tại chỗ và trên toàn đồng bằng, tổng lợi ích từ lúa vụ 3 có lớn hơn tổng chi phí đầu tư hay không? Đặc biệt, đê cao chống lũ triệt để có đặt ĐBSCL vào thế “bất khả hồi”; 2 vùng trũng trữ nước ở ĐBSCL là vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên chọn giải pháp xây đê bao khép kín để tăng lúa vụ 3. Sau này chúng ta muốn quay lại được không? Đặc biệt, lựa chọn hiện nay của chúng ta có phải là lựa chọn cuối cùng không khi cây lúa không đem lại giàu có cho nông dân, các nhà khoa học trăn trở
Bình Đại
|