Đầu tháng 5-2012, nông dân Hậu Giang hoang mang, lo lắng nạn “bệnh lạ” trên trà lúa hè thu. Lúa đang làm đòng bị đỏ lá và khô từ ngọn xuống gốc chết. Trong khi đó, nhiều nông trồng lúa ở Bến Tre và Sóc Trăng kêu cứu vì nước mặn tràn vào vùng trồng lúa.
Tiềm ẩn bệnh vàng lùn
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam, kết quả xét nghiệm “bệnh lạ” trên lúa hè thu ở Hậu Giang chính là bệnh vàng lùn. Sở dĩ phải nhờ đến Trung tâm BVTV phía Nam “chẩn bệnh” vì lúa hè thu ở đây biểu hiện bệnh không rõ nét. Hè thu hiện là vụ lúa có sản lượng lớn thứ hai sau vụ đông xuân, diện tích gieo sạ hơn 1,6 triệu ha.
Vừa qua, hàng ngàn hécta lúa hè thu ở Đồng Tháp và Hậu Giang nhiễm bệnh vàng lùn, làm nông dân thiệt hại nặng nề. “Các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân nên xuống giống theo lịch địa phương công bố. Nhưng nông dân cứ thích thì làm, xé rào xuống giống nối đuôi, chúng tôi rất lo bùng phát dịch rầy nâu” - TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, nhận định.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên cách đây hơn 6 năm (tháng 3-2006), dịch rầy nâu lan rộng và tấn công hầu hết trà lúa hè thu sớm ở ĐBSCL, gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa. Đến tháng 10-2006, Bộ NN-PTNT phải công bố dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tại ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL và các tỉnh đã bắt tay tuyên chiến với rầy nâu.
Và sau đó, giải pháp gieo sạ đồng loạt để né rầy đã giúp hàng triệu nông dân trồng lúa khỏi dịch bệnh. Đây cũng là giai đoạn hệ thống bẫy đèn ở ĐBSCL được hình thành và hoạt động rất mạnh. Tháng 3-2009, Cục BVTV đã công nhận Giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng để phòng bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá ở ĐBSCL là tiến bộ kỹ thuật.
Tuy nhiên, hiện nay giải pháp này có nguy cơ bị phá vỡ do nông dân liên tục sản xuất lúa 3 vụ/năm và xuống giống nối đuôi nhau, tạo điều kiện để rầy nâu phát tán. Nhiều hộ nông dân nhỏ xé rào xuống giống không theo lịch thời vụ sẽ thành chuyện lớn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn tiềm ẩn những mối nguy. Tại Hậu Giang, có hơn 500ha lúa bị bệnh vàng lùn, mức độ thiệt hại nhiều nơi 10%-20%. Trong khi đó, các bệnh cháy lá, lem lép hạt cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong vùng.
Theo các nhà khoa học, việc nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống và bón phân hợp lý rất quan trọng. Do thời gian các giống lúa sản xuất hiện nay đều là giống ngắn ngày nên thời gian hạt lúa sau khi xay xát thành gạo khó trữ lâu như các giống lúa dài ngày.
Đối phó với lũ mặn
Tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre việc nông dân dẫn nước mặn nuôi tôm vào sâu trong đồng ruộng đã làm thiệt hại nặng diện tích trồng lúa. Rõ nhất, ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, lúa của nhiều nông dân đang trổ bông nhưng chết gần hết do nhiễm nước mặn, một số hộ phải bỏ đất hoang vì nước quá mặn. Đời sống hàng ngàn người dân ở đây bị xáo trộn vì không trồng lúa được. Nguy cơ mặn hóa dẫn đến hàng trăm hécta đất bỏ hoang ngày càng gần hơn.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng và Bạc Liêu, xung đột mặn – ngọt xảy ra khá gay gắt hơn giữa nông dân nuôi tôm và trồng lúa. Trong đó, hơn 10.000 ha lúa hè thu ở huyện Ngã Năm Sóc Trăng đang bị đe dọa bởi tần số các đợt mặn xuất hiện cao hơn mọi năm và độ mặn gia tăng cao hơn phổ biến ở mức 9‰, cá biệt có nơi lên hơn 20‰.
Dư luận cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là việc lấy nước mặn vào vùng nuôi tôm ở vùng giáp ranh giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng. Trong đó, nông dân Ngã Năm “tố” lỗi từ phía Bạc Liêu do không quản lý được quy hoạch, không điều tiết hệ thống cống ngăn mặn hợp lý. Chính quyền địa phương đã phối hợp vào cuộc để truy tìm nguyên nhân.
“Tuy nhiên, sau khi đi khảo sát thực địa thì nước mặn đã xâm nhập từ biển Tây len theo các tuyến kênh phía Hậu Giang vào chứ không phải từ hướng biển Đông - đi qua địa bàn Bạc Liêu” – ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết. Bộ NN-PTNT cũng đã cử đoàn công tác vào nghiên cứu tình trạng phát sinh hướng xâm nhập mặn này. Đây là diễn biến mới, ngày càng minh chứng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn.
Ông Lê Thành Trí còn lưu ý: “Thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Nếu mực nước sông Mê Công khánh kiệt thì nước mặn càng lấn sâu vào nội đồng. Khi đó, nông dân trồng lúa trong vụ hè thu, nhất là vùng sản xuất lúa – tôm sẽ đối diện với nhiều khó khăn”. Nói một cách nôm na: Khi lũ ngọt nhỏ thì lũ mặn sẽ lớn hơn, môi trường “quá tải” – đó là nhận định chung cho các tỉnh giáp biển, phải đối diện nhiều vấn đề phát sinh khá gay gắt trong hiện tại và tương lai. Các nhà khoa học đã vào cuộc nhằm lai tạo ra các giống lúa chống chịu với độ mặn cao.
Cách đây hơn 10 năm, Trường Đại học Cần Thơ đã sưu tập và giữ lại những giống lúa cổ truyền, có khả năng chịu mặn tới 20‰, dù năng suất rất thấp, chỉ chừng 2-3 tấn/ha. Còn các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL đã phóng thích một số giống lúa để ứng phó trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Theo đó, một số giống lúa có khả năng chịu đựng độ mặn 3-4‰ và tương lai sẽ có những giống chịu đựng độ mặn 7‰.
Song, việc duy trì sản lượng lương thực ở mức ổn định như hiện nay ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là một thách thức và nông dân trồng lúa hè thu đang đối diện với nhiều rủi ro. Hạn, mặn sẽ gây thiệt hại khi lúa còn ngoài đồng, sau khi thu hoạch gặp mưa dầm, lúa giảm chất lượng nghiêm trọng khi hệ thống sấy lúa hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu.
ĐBSCL vẫn là vựa lúa chính của cả nước, cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt ngay từ bây giờ để tạo ra cơ sở hạ tầng như thủy lợi, đê bao, dịch vụ sấy hỗ trợ ở mức ổn định để giảm rủi ro cho nông dân trồng lúa.
Cao Phong