Sản xuất nhiên liệu sinh học từ... rác

Sản xuất nhiên liệu sinh học từ... rác
Sản xuất nhiên liệu sinh học từ... rác ảnh 1

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ rác thải ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa xác định các loại rác hữu cơ như thức ăn thừa, sữa bị ôi, xác sinh vật chết, rau củ quả phế thải... nếu được thông qua quá trình xử lý cũng có thể trở thành nguồn nguyên liệu hiệu quả dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Giáo sư Masayuki Onodera, thuộc Viện Công nghệ Nigata (Nhật Bản) cho biết khí hyđrô trích xuất từ lượng sữa bò ôi vữa bỏ đi hàng năm ở nước này hoàn toàn có đủ khả năng thay thế nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ.

Bằng cách cung cấp định kỳ nguyên liệu (sữa bị ôi) và duy trì độ pH ổn định, có thể đều đặn sản xuất ra khí sinh học (biogas) với thể tích cao gấp 8 lần bình thường, trong đó 50% là nhiên liệu hyđrô. Công nghệ này được hy vọng có thể áp dụng để sản xuất điện năng từ nguồn thức ăn thừa hoặc các loại rau củ quả hư thối, và thậm chí cả từ lượng khổng lồ sứa biển vốn thường bị mắc kẹt trong hệ thống làm nguội của các nhà máy điện hạt nhân nằm cạnh bờ biển.

Tương tự, tại Trường Đại học California (Mỹ), các nhà nghiên cứu cũng đang nhắm đến việc tạo ra nhiên liệu sinh học như methane và hyđrô từ nguồn thực phẩm thừa bỏ đi hàng ngày từ các nhà hàng. Giáo sư Ruihong Zhang cho biết, mỗi ngày lò phản ứng sinh học mang tên Onsite Power Systems do nhóm chuyên gia này phát triển có thể xử lý từ 3-8 tấn rác hữu cơ loại này, đủ cung cấp năng lượng cho 80 hộ gia đình. Theo đó, bước đầu vi khuẩn sẽ phân hủy rác thành hỗn hợp gồm axít hữu cơ và nước. Lượng axít hữu cơ này sau đó được chuyển hóa thành biogas cũng bằng cách sử dụng vi khuẩn.

Cũng nằm ở xu hướng nghiên cứu này, tại Trường Đại học Birmingham, Anh cũng đang thực hiện việc triển khai một quy trình xử lý rác thải ở cấp độ công nghiệp với hệ thống Biowaste2energy (gọi tắt là BW2E), qua đó có thể dùng sản xuất nhiên liệu hyđrô. Bước thứ nhất trong quy trình xử lý của BW2E là cho lên men để phân hủy nguồn rác thực phẩm thành các axít hữu cơ. Bước thứ hai sẽ sử dụng một lò phản ứng sinh học quang hợp dùng cả ánh sáng và vi khuẩn để biến đổi các axít hữu cơ này thành nhiên liệu hyđrô, kể cả các phụ phẩm khác gồm khí CO2 và nước.

Như Quỳnh (Theo MSNBC)

Tin cùng chuyên mục