Sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay tăng trưởng rất ấn tượng, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản đến hết tháng 7-2011 đạt kim ngạch trên 13,95 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở khu vực ĐBSCL là dịch bệnh trên cây trồng tăng mạnh, gây thiệt hại lớn cho người dân nông thôn.
- Nhãn bệnh chổi rồng, dân mất hàng tỷ đồng
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện các tỉnh ĐBSCL có trên 11.570ha nhãn bị siêu vi khuẩn và virus tấn công gây bệnh chổi rồng. Ông Nguyễn Văn Mười, ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, chua chát: “Nhãn là cây trồng chủ lực của người dân xứ này, thế nhưng bệnh chổi rồng hoành hành trên diện rộng khiến vườn nhãn nào cũng thất thu”. Kéo chúng tôi ra khu vườn nhãn xác xơ, ông Mười thừa nhận, không thể xác định được nguyên nhân gây ra căn bệnh kỳ lạ này và cũng không biết cách phòng trị thế nào cho hiệu quả, dù đã tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.
Tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, nơi có vùng chuyên canh nhãn nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, hàng loạt nhà vườn cũng mất ngủ vì bệnh chổi rồng tấn công trên diện rộng. Ông Huỳnh Văn Nhỏ, ở tổ 13, ấp An Hòa, cho biết đã chi ra bạc triệu để mua thuốc xử lý nhưng vẫn đâu vào đấy. Giải pháp duy nhất là đốn bỏ vườn nhãn nhiễm bệnh để trồng cây khác.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có hơn 3.680ha nhãn, nhưng đến nay có 3.550ha bị bệnh chổi rồng, chiếm 96% diện tích. Nhiều nhà vườn cho biết, khoảng năm 2008, bệnh chổi rồng xuất hiện tại đây nhưng không có thuốc trị và không rõ nguyên nhân phát sinh mầm bệnh, vì thế chẳng biết cách đối phó ra sao và dịch bệnh cứ lây lan khắp nơi.
Tại các xã như Tân Nhuận Đông, Phú Hữu, An Nhơn, An Phú Thuận…, hầu như vườn nhãn nào cũng bị bệnh chổi rồng, làm giảm 70% - 90% năng suất. Điều đáng nói, bệnh này chỉ xuất hiện trên giống nhãn tiêu da bò (loại nhãn đang xuất khẩu mạnh). Thông thường nhãn vừa đâm bông chừng 2 - 3 tấc thì cả chùm bông quéo lại, sau đó héo khô và không cho trái.
Tại Tiền Giang, Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè cho biết, trong 1.700ha nhãn ở đây đã có khoảng 70% diện tích bị bệnh chổi rồng. Tại Vĩnh Long, Trà Vinh, bệnh chổi rồng cũng phát tán tràn lan. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, bình quân 1ha nhãn đạt 15 tấn trái, với giá bán 10.000 đồng/kg, năm nay các chủ vườn nhãn ở ĐBSCL thiệt hại hàng tỷ đồng.
- Nhiều lo toan...
Cùng với bệnh chổi rồng trên nhãn, cây lúa và các loại cây trồng khác cũng xuất hiện rất nhiều bệnh. TS Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, lo lắng: Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng vụ hè-thu diện tích nhiễm rầy nâu lên đến 74.450ha, tăng 18.433ha so cùng kỳ; lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá 11.129ha; bệnh đạo ôn 67.672ha, tăng 28.651ha; ốc bươu vàng cắn phá 36.423ha lúa, tăng 22.758ha… Đối với cây có múi, hiện trên 22.117ha bị nhiễm bệnh chảy nhựa thân, thối gốc, vàng lá…; hơn 2.553ha chôm chôm bị bệnh phấn trắng, thối trái; gần 9.200ha thanh long bị thối nhánh...
TS Hồ Văn Chiến dự báo, tình hình dịch bệnh trên cây lúa tới đây có khả năng tăng. Do đó, các địa phương cần lưu ý diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng để kịp thời khuyến cáo cho nông dân phòng trị. Đối với vụ thu-đông và vụ mùa, từ tháng 8 đến tháng 9 tới sẽ có đợt rầy di trú mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, nông dân cần bám sát đồng ruộng theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời. Ngoài ra bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn… cũng cần đề phòng.
Đối với dịch bệnh trên cây nhãn, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cho biết: Bệnh chổi rồng là loại bệnh rất nguy hiểm, bộc phát nhanh - gây thiệt hại lớn, nó giống như bệnh vàng lá Greening trên cây cam, quýt và chưa có thuốc đặc trị. Điều đáng lo ngại là người dân hiểu về loại bệnh này còn quá ít, mặc dù SOFRI đã cử cán bộ xuống Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… tập huấn cho bà con. Mặt khác, số nhà vườn mạnh dạn đốn bỏ cây bị bệnh hoặc cắt bỏ cành bị bệnh để xử lý chưa nhiều. Trong khi không làm đồng bộ, không huy động sức mạnh cộng đồng vào cuộc thì khó tiêu diệt được mầm bệnh. SOFRI cũng khuyến cáo nhà vườn chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng vì đây là giống kháng được bệnh chổi rồng.
Trong lúc các ngành chức năng loay hoay tìm nguyên nhân và cách phòng trị bệnh chổi rồng thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhãn lo lắng vì thiếu nguồn nguyên liệu. Giới doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Đồng Tháp và Tiền Giang thừa nhận: Có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu nhãn đi châu Âu, châu Á… thế nhưng khoảng 7 tháng nay số lượng nhãn thiếu trầm trọng, có khi đẩy giá lên 15.000 - 21.000 đồng/kg vẫn không đủ nhãn để thu mua. Cuối cùng đành phải hủy bỏ nhiều hợp đồng xuất khẩu.
HUỲNH LỢI – AN BÌNH