Những ngày đầu tháng 8-2016, cá tra, cá basa Việt Nam lại rơi vào diện “neo đơn”, đầu ra của hạt gạo cũng không khả quan hơn. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng là yêu cầu cấp bách.
Khoảng cách
Sau tác động nghiêm trọng của đợt hạn, mặn lịch sử, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang cố gắng gượng dậy. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa, tôm, cá tra… đều đối diện những thách thức. Tình trạng tôm chết vẫn kéo dài ở nhiều địa phương, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, tình trạng bơm tạp chất vào tôm làm mặt hàng này gặp khó khăn trong xuất khẩu. “Trước đây thương lái Trung Quốc tìm mua cá tra trọng lượng trên 1kg/con nên nhiều người nuôi vỗ béo cá để chờ bán. Giờ chẳng thấy thương lái nào mua”, anh Thái Văn An, một người nuôi cá ở Cần Thơ cho biết. Rất nhiều hộ nuôi cá đang rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như anh An khi tồn đọng hàng ngàn tấn cá tra quá lứa. Giá bán chỉ còn 19.000 đồng/kg (lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg) nhưng không tiêu thụ được. Trong khi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ chọn mua cá trọng lượng nhỏ hơn 1kg/con.
Trồng chanh không hạt ở Hậu Giang giúp nông dân khá giả
Thiếu địa chỉ tiêu thụ, nên người nuôi dễ bị thương lái Trung Quốc “xỏ mũi” trong chuyện nuôi vỗ béo nuôi cá tra quá lứa để rồi ngậm quả đắng. “Nông dân hiện sản xuất rất tự phát. Trồng xong rớt giá lại chặt bỏ. Trong khi không ít doanh nghiệp không biết thị trường nằm ở đâu? Doanh nghiệp không dám đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Cứ đợi nông dân nuôi trồng, rồi ngóng thị trường cần gì mới triển khai mua nguyên liệu. Cả nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ không gặp nhau trong hàng chục năm qua”, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhận định.
Trang bị kiến thức quản trị
“Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Vấn đề hiện nay là phải làm tăng nhu cầu tiềm năng đối với sản phẩm nông nghiệp. Sự gia tăng nhu cầu là yếu tố quan trọng cho phát triển nông nghiệp”, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Chủ tịch VCCI Cần Thơ, nhận định. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, quan điểm thúc đẩy sản xuất, gia tăng sản lượng bất chấp nhu cầu, bất chấp thị trường, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, phải thường xuyên hạ giá bán. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, sản xuất nông sản phải dựa trên nhu cầu thị trường bao gồm yếu tố số lượng, chất lượng và chủng loại. Nghĩa là sản phẩm phải đa dạng và đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.
Khi lúa gạo, cá tra, tôm… rơi vào diện khó khăn đầu ra, nông dân ĐBSCL đang tìm cách sản xuất dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhờ trồng chanh không hạt, hàng trăm người dân ở HTX Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Hơn 10 năm trước ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến), hiện là Chủ tịch HĐQT HTX Thạnh Phước đi tiên phong trong việc trồng chanh không hạt. Khi đó, nhiều nước trên thế giới rất ưa chuộng mặt hàng này. Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM nắm được địa chỉ “xuất khẩu” nên đặt hàng ông Hai Chiến. Ông Hai Chiến lần lượt vận động các hộ dân lân cận tham gia hình thành HTX. Với 84 xã viên, diện tích đất trồng cây ăn trái 97ha, mặt hàng “độc” này đã giúp nhiều nông dân nhanh chóng làm giàu. Tại Bến Tre, khi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) nâng giá trị mặt hàng nước dừa lên 300 lần khi đóng hộp xuất khẩu, trái dừa đã có giá trị rõ rệt. Đây là khâu đột phá của Betrimex khi nắm bắt được nhu cầu ở thị trường nước ngoài. Từ đó, hợp tác với nông dân phát triển vùng nguyên liệu dừa gắn với đầu tư căn cơ các quy trình xuất khẩu.
Thực tế, các mặt hàng trái cây (xoài, chôm chôm…), gạo đặc sản, thủy sản… của Việt Nam gần đây khi hoàn thiện các quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế đã xuất khẩu sang nhiều nước. Đây là cách nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa nông sản Việt Nam không chỉ phải tăng tính cạnh tranh ở nước ngoài, mà còn phải cạnh tranh khốc liệt tại “sân nhà”. Do vậy, doanh nghiệp phải cải tiến để gắn với chuỗi liên kết toàn cầu; nông dân cũng cần được trang bị kiến thức quản trị, không thể cứ mãi sản xuất theo những gì mình có, mà nên sản xuất theo những gì thị trường cần, với các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp.
CAO PHONG