Ngành dược TPHCM

Sản xuất tụt hậu, phân phối hỗn loạn

Sản xuất tụt hậu, phân phối hỗn loạn
  • Sản xuất: manh mún- Phân phối: lòng vòng

Một cán bộ lâu năm trong ngành dược thật sự băn khoăn trước tiền đồ của ngành dược thành phố. Theo ông, mang tiếng là ở một trung tâm kinh tế, nhưng hiện ngành dược TP đang có nguy cơ bị ngành dược các địa phương khác qua mặt. Điều đáng lo nhất là sau bao nhiêu năm hoạch định chiến lược phát triển nhưng trong tay ngành dược TP không hề có nhà máy hay một công nghệ sản xuất nguyên liệu.

Sản xuất tụt hậu, phân phối hỗn loạn ảnh 1

Bào chế thuốc.

Trên 90% số nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chính vì phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài nên ngành dược TP đã không làm chủ được giá thành sản phẩm. Về cơ cấu mặt hàng thì nghèo nàn, tuyệt nhiên vắng mặt các loại thuốc đặc trị.

17 công ty sản xuất dược trên địa bàn với trên 300 mặt hàng chủ yếu là thuốc điều trị bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản. Đó là chưa kể do đầu tư trùng lắp, không tập trung, thiếu định hướng nên các đơn vị sản xuất càng phân tán manh mún.

Nhiều lúc yếu tố tự cạnh tranh đã làm suy yếu lẫn nhau. Vài năm gần đây, với chủ trương cổ phần hóa, một số công ty khi chuyển đổi có năng động hơn, mạnh dạn đầu tư công nghệ xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Nhưng do vốn ít, cơ sở hạ tầng cũ nên sự đầu tư vẫn chỉ là giải pháp tạm thời trước “phong trào” GMP hóa toàn quốc.

Trong khi đó, hệ thống phân phối tuy số lượng phát triển rầm rộ phủ đều ở các quận huyện, nhưng hoàn toàn bị phân cách cắt khúc theo kiểu “lãnh địa” mỗi người nắm một vài mặt hàng. Dược sĩ Trần Việt Trung, Trưởng phòng Quản lý dược, thừa nhận hệ thống phân phối đang trong trình trạng hỗn loạn, mạnh ai nấy làm theo cách của mình miễn là không vi phạm pháp luật và kiếm được nhiều lợi nhuận.

Đó là chưa kể một bộ máy phân phối cồng kềnh, nặng nề, phương thức phân phối chậm cải tiến, nặng tính hành chánh bao cấp, nhiều tầng nấc. Nhập khẩu chủ yếu là ủy thác, đại lý để hưởng phần trăm hoa hồng của nước ngoài – có nghĩa là làm thuê ngay trên sân nhà. Việc gắn kết với các nhà sản xuất còn lỏng lẻo.

Chưa xâm nhập và kết nối được các bệnh viện để đẩy mạnh cung ứng thuốc. Do kinh phí còn eo hẹp nên công tác thông tin, quảng cáo, tiếp thị chưa được các công ty phân phối chú ý. Ở lĩnh vực này gần như được khoán trắng cho các nhà sản xuất, công ty nước ngoài và tư nhân.

  • Công ty mẹ- công ty con: Vẫn là... “góp gạo thổi cơm chung”

Bức xúc trước sự thoi thóp của ngành dược TP, Sở Y tế đã thực hiện đề án thí điểm sắp xếp ngành dược theo mô hình “công ty mẹ - công ty con” . Theo đề án này thì 18 công ty dược phẩm trên địa bàn TP với tổng số vốn điều lệ trên 144 tỷ đồng (trong đó có trên 85 tỷ đồng vốn nhà nước) được tập hợp lại theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong số này sở có hướng chọn Công ty Dược Sapharco làm công ty mẹ.

Sản xuất tụt hậu, phân phối hỗn loạn ảnh 2

Dây chuyền ép vỉ hiện đại tại Công ty Cổ phần dược phẩm OPC.  Ảnh: AN NHÂN

Theo dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế, công ty mẹ - công ty con là một hình thức tổ chức sản xuất- kinh doanh được thực hiện bởi sự liên kết của nhiều pháp nhân doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực và địa bàn để tạo thế mạnh chung trong việc thực hiện nhiệm vụ,các chỉ tiêu kế hoạch với hiệu quả cao.

Công ty mẹ có chức năng kiểm soát các công ty khác, làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước hoặc có vốn đầu tư cổ phần ở công ty khác đủ để chi phối. Thực hiện quyền chi phối theo luật định và điều lệ công ty con.

Ông Cẩm còn cho biết thêm với mô hình này thì công ty mẹ sẽ tổ chức chuyên môn phân công hóa sâu để tạo điều kiện nâng cao trình độ hiện đại về kỹ thuật công nghệ, trình độ chuyên nghiệp và quản lý.

Đồng thời tăng cường phối hợp nhằm phát huy sức mạnh của toàn bộ các doanh nghiệp dược trong hệ thống tổ chức. Mô hình này sẽ bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, của các chủ sở hữu tham gia góp vốn, lợi ích của các đối tác kinh doanh - đầu tư…

Cũng theo ông Cẩm, công ty mẹ sẽ thực hiện hai chức năng cơ bản của một tập đoàn kinh tế: vừa có chức năng của một doanh nghiệp - tìm kiếm lợi nhuận cho chủ sở hữu và vừa có chức năng của một hiệp hội - tổ chức điều phối các hoạt động vì lợi ích chung của các thành viên…Công ty mẹ và công ty con liên kết với nhau theo chức năng chịu sự chi phối của công ty mẹ, trong đó chi phối về vốn là chủ yếu…

Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, nhiều giám đốc công ty dược đã tỏ ra ái ngại trước mô hình này. Họ cho rằng đây chỉ là giải pháp “góp gạo thổi cơm chung”. Nhưng cơm liệu có chín hay không thì chưa ai biết. Nhiều ý kiến nhìn nhận về mặt luật doanh nghiệp vẫn có gì đó chưa ổn. Đối với doanh nghiệp thành viên phần đông đã được cổ phần hóa hoạt động theo luật doanh nghiệp và mọi vấn đề của họ đều phải được bàn thảo và biểu quyết qua đại hội cổ đông.

Công ty mẹ sẽ điều tiết vốn ở những doanh nghiệp này như thế nào quả là vấn đề nan giải. Một cán bộ trong ngành dược lại tỏ ra tường tận hơn khi cho rằng công ty mẹ - công ty con chỉ là giải pháp tình thế đối phó với chủ trương thành lập Cục Quản lý vốn của các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo chủ trương này, Chính phủ sẽ giao phần vốn trong các công ty cổ phần về cho Cục Quản lý vốn quản lý. Như vậy tự dưng thành phố mất đi quyền quản lý một số vốn khá lớn. Trong khi đó, ngành chủ quản hoàn toàn mất đi một phần đất màu mỡ trong công tác quản lý (!)

  • Giải pháp tối ưu?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện còn 2 công ty nhà nước là Mebiphar (sản xuất) và Sapharco (vừa sản xuất vừa kinh doanh) có tiềm lực tương đối mạnh thì nhà nước nên tiếp tục đầu tư tiền của vào để phát triển theo hướng một nhà máy hiện đại của khu vực. Dự kiến tương lai phải đầu tư cho sản xuất nguyên liệu và phải làm chủ được một số thuốc mới bằng công nghệ sinh học. Đây là mô hình mà nhà nước Trung Quốc đã đầu tư cho ngành dược đất nước họ.

Một doanh nghiệp trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã than rằng, ngành dược đóng góp lợi nhuận cho đất nước rất nhiều nhưng đã nhiều năm nay nhà nước không đầu tư bao nhiêu. Như vậy chỉ còn giải pháp tăng thêm tiền để đầu tư những nhà máy tương xứng mới mong cứu vãn tình thế tụt hậu, thoi thóp của ngành dược TP. Rất nhiều doanh nghiệp dược mặn mà với phương án này.

Theo dự báo của những nhà chiến lược, trong tương lai không xa, với xu thế phát triển của ngành dược cả nước và trên thế giới, buộc các doanh nghiệp dược TPHCM (đa phần đã cổ phần) phải phá sản hoặc sáp nhập - liên kết để tồn tại và phát triển.

HỒNG LAM

Tin cùng chuyên mục