Sản xuất và xuất khẩu cây ăn quả: Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ

Ngày 15-3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam”. 

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả của cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, diện tích cây ăn quả khu vực phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích cả nước), tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước, tăng trên 61% so năm 2010). Trong số này, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả ở phía Nam; Đông Nam bộ chiếm 17%; Nam Trung bộ 15% và Tây Nguyên 10%. 

Cũng theo Cục Trồng trọt, sản xuất cây ăn quả nước ta nói chung và ở phía Nam nói riêng đang đứng trước khá nhiều thách thức, cần tháo gỡ để phát triển bền vững. Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về xuất khẩu. Thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp thì chưa quan tâm nhiều trong việc liên kết sản xuất với hợp tác xã. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, xâm nhập mặn, tình hình dịch bệnh và việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ vườn cây, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Sản xuất và xuất khẩu cây ăn quả: Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ ảnh 1 Thanh long - loại cây thế mạnh của ĐBSCL 
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu quả đạt trên 3,6 tỷ USD, thì việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách. Trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Mỗi tỉnh, thành phố nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Tuyên truyền vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 55 thị trường trên thế giới với giá trị đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80%. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng. 

Bộ NN-PTNT lưu ý các địa phương sớm hình thành các vùng liên kết từ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây. Trước mắt, thực hiện kế hoạch lịch thời vụ sản xuất 5 loại cây ăn quả chủ lực (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn). Tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng đến năm 2020 chiếm 30% - 35% trên tổng sản lượng. Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu; chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ trái cây…

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn hiện nay là thị trường tiêu thụ, kể cả trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân rất thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ, nên rất khó trong việc hoạch định, cơ cấu vụ mùa. Do đó, tới đây cần thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin phải có tính dự báo để người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất.

Tin cùng chuyên mục