Khoảng 2 ngày qua, giá lúa ở các tỉnh thành ĐBSCL tăng trở lại từ 4.300 đồng/kg lên 4.500 đồng/kg (lúa tươi loại thường), riêng lúa thơm phơi khô giá tăng từ 6.200 - 6.400 đồng/kg. Giá gạo loại 15% tấm cũng nhích lên từ 6.900 - 7.100 đồng/kg, tăng khoảng 400 đồng/kg so với tuần trước. Giá lúa gạo tăng là đáng mừng nhưng người dân không còn lúa để bán.
Hết mùa, giá tăng
Chiều 13-5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay các địa phương ở ĐBSCL đã thu hoạch xong 1,6 triệu ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt 6,8 tấn/ha; hiện các tỉnh trong vùng đã xuống giống hơn 1,05 triệu ha lúa hè thu năm 2014, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Điều đáng mừng là giá lúa đang tăng trở lại kích thích người dân đẩy mạnh xuống giống.
Ông Đoàn Ngọc Anh, ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) luyến tiếc: “Với dân nông thôn, mọi chuyện chi tiêu đều trông vào cây lúa, vì vậy khi thu hoạch xong vụ đông xuân thì ai nấy đều bán tại ruộng với giá thấp. Nay giá tăng nhưng người dân đã hết lúa, trong khi vụ hè thu sớm phải chờ khoảng một tháng nữa mới thu hoạch”. Đồng tâm trạng trên, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), nhìn nhận, sản xuất lúa gạo thời gian qua cứ luôn gặp cảnh “tới mùa, rớt giá” còn “hết mùa, giá tăng” làm cho nông dân thiệt trăm bề. Hiện tại lúa đông xuấn đã hết vụ nên sản lượng giảm mạnh, từ đó đẩy giá tăng lên và nông dân hầu như không được lợi gì.
Đối với xuất khẩu gạo, từ đầu năm đến nay gặp nhiều biến động do tính cạnh tranh trên thị trường thế giới rất gay gắt. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 4-2014 các doanh nghiệp chỉ xuất được 536.806 tấn gạo, trị giá gần 237 triệu USD, không đạt kế hoạch xuất 700.000 tấn gạo như đã đề ra mặc dù đây là tháng trọng điểm. VFA nhìn nhận, trong 4 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp rất nỗ lực nhưng kết quả xuất hơn 1,75 triệu tấn gạo, trị giá gần 765 triệu USD là không như mong muốn, bởi số lượng giảm hơn 18%, giá trị giảm 18,4%, giá xuất bình quân giảm 1,71 USD/tấn…
Nguyên nhân là do nhiều thị trường lớn của Việt Nam giảm mạnh việc nhập khẩu gạo, đặc biệt là thị trường châu Phi giảm thê thảm bởi sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan. Trừ thị trường Philippines mà Việt Nam trúng thầu 800.000 tấn gạo đã góp phần tích cực vào tiêu thụ lúa gạo trong nước. Song thị trường Philippines lại đang bị Thái Lan cạnh tranh nhằm giải quyết lượng gạo tồn kho lớn của nước này; chưa kể giá xuất sang Philippines thấp chỉ 370,05 USD/tấn (giao tại cảng ở TPHCM) nên không có lời…
Tìm hướng đi căn cơ
Trước hàng loạt khó khăn như sản lượng gạo trên thế giới đang cung vượt cầu khiến giá giảm, cộng áp lực giải phóng số lượng gạo tồn kho lớn của Thái Lan, Ấn Độ… tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo với nhau. Chính vì thế mà mới đây VFA quyết định hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2014 từ 6,5 - 7 triệu tấn xuống còn 6,2 triệu tấn. Đây là con số thấp hơn nhiều so với xuất khẩu gạo của năm 2013 là hơn 6,6 triệu tấn, còn năm 2012 xuất tới 7,7 triệu tấn gạo…
Theo các nhà chuyên môn, ngoài giải pháp tình thế như hiện tại thì về lâu dài cần tìm giải pháp xuất khẩu gạo căn cơ hơn nhằm thích ứng với tình hình mới. Lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL đề nghị Bộ Công thương xem xét lại việc cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo dựa trên sản lượng lúa của từng địa phương, nhằm thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, loại bỏ bớt những doanh nghiệp yếu kém, không chịu đầu tư mô hình “cánh đồng liên kết” để siết lại đầu mối xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao năng lực doanh nghiệp như khả năng hoạt động, điều kiện kho chứa, qui mô nhà máy xay xát, xây dựng vùng nguyên liệu…
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất cần xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất và xuất khẩu gạo. Qua đó, chọn lọc lại những loại gạo thế mạnh của Việt Nam để đầu tư về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu… tránh tình trạng sản xuất quá nhiều giống như hiện nay nhưng khả năng cạnh tranh lại thấp. Cần đầu tư xây dựng những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo phải thật sự đủ mạnh trên nhiều mặt để cạnh tranh với các nước. Ngoài ra, có chính sách nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, giúp nông dân tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo; bởi lợi nhuận từ cây lúa đang ngày càng giảm… Lãnh đạo Sở NN-PTNT Long An cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động hơn trong việc liên kết cùng nông dân. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xuất khẩu gạo thì doanh nghiệp nên đưa ra những dự báo về loại gạo nào, giá cả ra sao… của từng năm, qua đó “đặt hàng” cho nông dân sản xuất. Làm được như vậy mới tránh thực trạng ùn ứ trong tiêu thụ lúa khi tới vụ thu hoạch như thời gian qua.
| |
HUỲNH PHƯỚC LỢI