Sản xuất và xuất khẩu trái cây - Thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ở nhiều nơi gây ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất cây ăn trái. Làm gì để bảo vệ cây ăn trái trong điều kiện nước mặn xâm nhập mạnh, hạn hán kéo dài… đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) về vấn đề này.
Sản xuất và xuất khẩu trái cây - Thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ở nhiều nơi gây ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất cây ăn trái. Làm gì để bảo vệ cây ăn trái trong điều kiện nước mặn xâm nhập mạnh, hạn hán kéo dài… đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) về vấn đề này.

SOFRI nghiên cứu thành công giống bưởi da xanh chịu được biến đổi khí hậu.

SOFRI nghiên cứu thành công giống bưởi da xanh chịu được biến đổi khí hậu.

- PV: Thưa ông, hiện nay nước lũ đang lên nhanh ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu; trong khi mùa khô thì xâm mặn và hạn hán diễn ra trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh ĐBSCL gây khó khăn cho sản xuất. Là người nghiên cứu lâu năm về cây ăn trái, ông cảm nhận vấn đề này thế nào?

PGS-TS Nguyễn Minh Châu: Cùng với lúa gạo và thủy sản, cây ăn trái là thế mạnh của ĐBSCL. Vì vậy trước diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH khiến chúng tôi rất lo lắng. ĐBSCL có diện tích cây ăn trái lớn, chủng loại phong phú, trong đó đa phần là cây có múi - đây là loại cây rất mẫn cảm với nước lũ và nước mặn. Thực tế tại Bến Tre thời gian qua đã có hàng ngàn hécta cây ăn trái bị chết hoặc giảm năng suất do nước mặn tấn công. Hễ năm nào xuất hiện lũ lớn thì nhiều vườn cây ăn trái ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… bị đe dọa.

- Vậy SOFRI đã có giải pháp gì để góp phần bảo vệ cây ăn trái?

Không phải đến bây giờ mà hơn 10 năm trước chúng tôi đã lường trước vấn đề BĐKH. Theo đó, nếu làm đê bao ngăn mặn thì tốn kinh phí lớn và cũng không chống mãi được, bởi mặn ngày càng lan rộng. Giải pháp khả thi nhất để ứng phó với BĐKH là chuyển đổi giống, tìm ra những loại giống chịu được nước mặn, bởi giống là khâu quan trọng nhất. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu nhiều loại giống cây chống chịu được mặn ở các nồng độ khác nhau. Cử cán bộ đến những vùng nhiễm mặn thu thập giống cây tự nhiên đem về ứng dụng nhà lưới để làm gốc ghép cho giống thương phẩm.

Thực hiện 2 đề tài khoa học cấp bộ là “Nghiên cứu đánh giá, lựa chọn cây có múi và cây xoài trong điều kiện mặn và ngập ở ĐBSCL”; “Chọn lọc gốc ghép cây có múi chịu hạn và phèn ở ĐBSCL”. Kết quả sử dụng gốc ghép rất khả quan. Cụ thể: các giống bưởi Bồng, bưởi Đường Hồng, bưởi Hồng Đường, bưởi Sung và Sảnh có khả năng chịu được mặn ở nồng độ 8‰. Khảo nghiệm trong nhà lưới và ngoài đồng ở Bình Đại (Bến Tre) đối với xoài Châu Hạng Võ, xoài 13-1 và xoài ghép xanh ghép trên mắt xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu chịu được độ mặn 13‰. Ngoài ra, SOFRI nghiên cứu được 4 giống gốc ghép cây có múi chịu được hạn phèn, đang trồng thử nghiệm ở An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…

- Để phát triển bền vững cây ăn trái, theo ông cần phải giải quyết những vấn đề gì?

Dù chúng ta đang xuất siêu trái cây nhưng vẫn chưa xuất được nhiều do diện tích sản xuất còn manh mún, thu hoạch chưa đồng bộ, chất lượng chưa đều… Nông dân và doanh nghiệp chưa liên kết chặt, việc đóng gói trái cây có cải thiện nhưng chưa tiên tiến bằng các nước nên tỷ lệ trái bị hư cao 20% - 25%.

Khắc phục hạn chế trên, cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu trái cây. Theo đó, liên kết xây dựng vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng. Từng tỉnh nên chọn từ 1 - 3 loại cây thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển. Cái khó hiện nay là thiếu vốn, trong khi Nhà nước chưa đầu tư mạnh cho trái cây, vì vậy việc phát triển chưa như mong muốn.

Để xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa lớn đáp ứng tình hình mới, rất cần chính sách đặc thù cho ngành trái cây; trong đó cần nhất là vốn cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, UBND các cấp phải đóng vai trò “nhạc trưởng” để chỉ đạo, huy động các ngành, doanh nghiệp… vào cuộc.

Một tin vui là hiện nay Ngân hàng Thế giới đang triển khai dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh nông nghiệp” ở Việt Nam. Về sơ bộ, Ngân hàng Thế giới đã thống nhất với SOFRI chọn những loại cây giá trị như xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm… để phát triển theo hướng chất lượng, có diện tích lớn nhằm tăng tính cạnh tranh cho trái cây ĐBSCL. Hiện đề án đang xem xét và nếu được thông qua thì Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ không hoàn lại 40% trên tổng số vốn, thực hiện mô hình phát triển trái cây bền vững.

  • PGS-TS Nguyễn Minh Châu:

"Nhiều người chưa hiểu rõ về trái cây của ta nên họ nói sầu riêng Thái Lan ngon hơn sầu riêng Việt Nam. Tôi là dân trong nghề nên rất hiểu và xin khẳng định rằng ở ĐBSCL có rất nhiều loại trái cây chất lượng hơn hẳn các nước, trong đó có Thái Lan. Điển hình là xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, Sapo Mặc Bắc... Vú sữa Lò Rèn và sơ ri Gò Công là giống đặc hữu, chỉ Việt Nam mới có.

Những năm qua nhờ đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, chuyển giao giống tốt, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng mô hình mới tiên tiến, hiệu quả cao… cộng với trình độ sản xuất của nhà vườn nâng lên rõ rệt, đã tạo ra bộ mặt mới cho trái cây. Nhiều loại trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP. Từ việc nâng chất lượng đã đưa kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng mạnh. Năm 2011, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 500-510 triệu USD. Trước đây không ai dám nghĩ trái cây ĐBSCL xuất vào thị trường khó tính, nay chôm chôm, nhãn, thanh long… đã có mặt ở Hoa Kỳ, Nhật Bản"

Huỳnh Phước Lợi (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục