Sau nhiều năm tâm huyết và mày mò nghiên cứu, chiếc giường dành cho người bất động đã ra đời. Mới đây, sản phẩm đã đạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế 2014. Anh Nguyễn Long Uy Bảo (quận 9 TPHCM) cho biết, với giường bệnh thông thường, các bệnh nhân bị chấn thương cột sống phải nằm bất động, khó dịch chuyển khi thay drap, trở mình… làm cho người bệnh đau đớn.
Thêm vào đó, do quá tải, hầu như các bệnh viện đều bọc thêm tấm ni lông bên ngoài nệm khiến người bệnh nằm lâu ngày rất dễ bị viêm loét. “Vì vậy, nên chiếc giường tôi chế tạo có thể khắc phục được nhược điểm trên. Thân giường, vạt giường, nệm và drap, tất cả đều có kết cấu riêng. Vạt giường được thiết kế theo nguyên tắc cài răng lược, gồm 2 vạt, được chia thành nhiều thanh nhỏ, mỗi thanh rộng khoảng 10cm, được đan xen nhau, các thanh cách nhau 1cm.
Chính các khoảng cách này, tạo nên sự thông thoáng, nhờ hệ thống cài răng lược giúp thay đổi điểm chịu lực hay các điểm tì đè của cơ thể, phòng chống lở loét. Ngoài ra, có thể chống tê (mất cảm giác) nhờ hệ thống rung mát-xa được lắp trong nệm”, anh Bảo lý giải.
Anh Nguyễn Long Uy Bảo trình diễn sáng chế của mình tại lễ trao giải.
Dễ nhận thấy, giường mới của anh chia thành hai nửa, và lắp ráp lại với nhau theo nguyên lý cài răng lược nên khi thay drap, một phần của vạt giường sẽ hạ xuống, phần còn lại giữ người bệnh vẫn nằm yên trên giường. Sau khi thay drap xong bên vạt giường đã hạ xuống, nâng vạt giường này lên để giữ người bệnh và tiếp tục hạ vạt giường còn lại để thay drap tiếp.
Nhờ những thiết kế đặc biệt trên, chiếc giường do anh Bảo sáng chế đã giúp thao tác thay drap đơn giản, mà người bệnh vẫn nằm yên trên giường không cần cử động; phòng chống lở loét lưng, bệnh nhân đi ngoài một cách êm ái, tế nhị và thoải mái do không cần nhấc lưng; chăm sóc bệnh nhân không cần tốn nhiều sức và nhiều người. Với những ưu điểm đó, đến nay anh đã bán được hơn 300 giường trước khi đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế 2014.
Nói đến ý tưởng đầu tiên về chiếc giường độc đáo này, anh Bảo cho biết: Chính anh cũng không may gặp tai nạn. Nằm ở bệnh viện, hàng ngày, anh quan sát thấy những bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc hoại tử đi lại rất vất vả, nhất là khi nhân viên bệnh viện tới thay drap giường, có người bệnh do đau phải hét lên. “Chưa hết, với những trường hợp nằm lâu bị hoại tử, dịch nhầy chảy ra dính vào drap giường khiến việc vệ sinh cho người bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Thậm chí có ít nhất 2 - 3 thậm chí 5 người mới nâng người bệnh ra khỏi giường được”, anh Bảo nói.
Trăn trở theo anh suốt 4 năm sau ngày tai nạn, để rồi giúp anh nảy ra ý tưởng về một chiếc giường thay drap giúp người bệnh không đau. Rồi động lực đó càng mạnh mẽ hơn khi anh chứng kiến nỗi đau thể xác của chính người thân mình.
“Năm 2003, bà nội tôi qua đời vì bệnh nặng, bà còn bị hoại tử, nên chỉ nằm được một chỗ, vì thế sức khỏe bà ngày càng kiệt quệ. Điều này thôi thúc tôi hơn bao giờ hết phải làm nên điều gì đó thiết thực với bệnh nhân nằm liệt giường”, anh Bảo tâm sự.
TƯỜNG HÂN