Dư luận quốc tế thông qua các kênh chính phủ và truyền thông ngày 28-5 tiếp tục chỉ trích hành vi sai trái của Trung Quốc trên biển Đông. Thái độ hung hăng của tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đã được phân tích trên các báo. Để giải quyết những căng thẳng trên biển Đông, Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) đã công bố sáng kiến khả thi, kêu gọi lãnh đạo các bên bày tỏ quan điểm tại một hội thảo được truyền trực tuyến trên toàn cầu.
Lãnh đạo các nước tham gia đối thoại
Trên trang web của mình là bostonglobalforum.org, Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) ngày 28-5 đã công bố sáng kiến nhằm kêu gọi hòa bình trên biển Đông trong bối cảnh liên tục xảy ra những mâu thuẫn trên biển Đông, đe dọa hòa bình quốc tế. Cụ thể là căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc - Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Trung Quốc - Việt Nam và Trung Quốc - Philippines.
Theo sáng kiến này, cần có một hội thảo quốc tế diễn ra vào ngày 2-7 tới tại Boston hoặc diễn ra bằng hình thức hội thảo trực tuyến. Điều đặc biệt là sẽ được tường thuật trực tiếp trên internet để người dân toàn cầu có thể cùng đối thoại thông qua các mạng truyền thông xã hội hay chính trên trang web của BGF. BGF cho biết sẽ mời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm chủ trì hội thảo. Các vị khách mời tham gia đối thoại sẽ là những lãnh đạo của các quốc gia liên quan trực tiếp đến mâu thuẫn trên biển Đông. Cụ thể là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Philippines Bengino Aquino III. BGF cũng kêu gọi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nguyên thủ của các nước như Indonesia, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia cũng như các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật quốc tế, hàng hải… tham gia diễn đàn trực tuyến này.
Trong thông cáo công bố về sáng kiến trên, BGF đã nhấn mạnh diễn đàn này đang tìm kiếm một giải pháp cấp bách, đáp ứng yêu cầu khách quan trên phạm vi toàn cầu để giải quyết căng thẳng gia tăng ở châu Á. BGF cũng kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có những động thái cụ thể đối với hành vi đưa giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
BGF là một tổ chức phi lợi nhuận, được đặt tại thành phố Boston, bang Massachusetts của Mỹ. BGF quy tụ những nhà tư tưởng, nhà chính trị, văn hóa, giáo sư ưu tú trên khắp thế giới nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đang được thế giới quan tâm.
Trung Quốc không ngừng khiêu khích
Trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị ở trụ sở Quốc hội Australia, Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop khẳng định Quốc hội Australia coi trọng sự hợp tác và giao lưu giữa Quốc hội hai nước. Sau khi nghe Đại sứ Lương Thanh Nghị thông báo những diễn biến gần đây liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, bà Bishop bày tỏ lo ngại và chia sẻ lập trường của Chính phủ Australia về những diễn biến gần đây tại biển Đông. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
Nhận định về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 28-5 cho biết sẽ tìm một nguồn độc lập để tham khảo về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Mỹ khi được hỏi nhìn nhận thế nào về thái độ của Việt Nam trong khi Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang khiêu khích thì đã nhấn mạnh rằng, chỉ có Trung Quốc cố tình khiêu khích trên biển Đông. Dù Mỹ chưa được tiếp cận trực tiếp những thông tin mới nhất thì Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc là bên khơi mào cho tất cả căng thẳng trên biển Đông.
Ngay sau khi tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, nhiều tờ báo Đức đã đưa tin chỉ trích Trung Quốc. Các tờ như Zeit, DWN, Spiegel đã dẫn lời Bộ Ngoại giao Việt Nam, tham khảo các phương tiện truyền thông Việt Nam để đưa ra kết luận về sự ngang ngược của Trung Quốc. Tờ DWN cũng cho rằng hành vi của Trung Quốc không khác nào hành vi khủng bố. Trên trang A8 báo giấy của New York Times phát hành ngày 28-5 cũng đã đưa tin đậm về vụ việc trên.
NHƯ QUỲNH
- Diễn đàn Toàn cầu Boston đưa ra sáng kiến về Biển Đông