Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVI năm 2016
Quá trình khởi động để sản xuất chất hoạt động bề mặt Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES, chất hoạt động bề mặt sử dụng trong dầu gội, nước rửa chén, các sản phẩm tẩy rửa) tại Nhà máy ABS - Chi nhánh Công ty cổ phần Tico làm sản sinh ra một lượng lớn bán thành phẩm SLES. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không được đưa vào phản ứng trung hòa thì những bán thành phẩm này không thể sử dụng được, đồng thời chuyển thành chất thải nguy hại, phải thuê đơn vị có chức năng để xử lý. “Làm sao để tái chế được bán thành phẩm, vừa không bỏ phí vừa tiết kiệm chi phí cho công ty?”, câu hỏi này cứ đeo đẳng trong tâm trí anh Hà Quốc Cường, Phó Quản đốc Nhà máy ABS.
Kỹ sư Hà Quốc Cường bên quy trình sản xuất tại Nhà máy ABS
Đây là bài toán khó nhiều năm qua chưa có lời giải, trong khi trung bình mỗi năm, Nhà máy ABS phát sinh khoảng 30 tấn bán thành phẩm không có khả năng tái chế. Cứ mỗi mẻ sản xuất SLES, nhìn từng ký bán thành phẩm phải bỏ đi, anh Cường càng quyết tâm phải tìm được giải pháp. Hiểu rõ đặc tính của loại bán thành phẩm này, vận dụng kiến thức về công nghệ hóa học và thực phẩm được học tại giảng đường Đại học Bách khoa TPHCM, anh Cường tiến hành thử nghiệm để xác định thời hạn sử dụng tối ưu, lưu lượng sử dụng phù hợp của bán thành phẩm sao cho khi tái chế sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm làm ra. Nhiều tháng ngày mày mò thử nghiệm đã đạt được phần thưởng xứng đáng khi anh Cường tìm ra giải pháp, có thể xử lý được 40% bán thành phẩm. Không tự hài lòng ở kết quả này, anh tiếp tục nghiên cứu nâng cấp giải pháp để 100% bán thành phẩm được tận dụng. Lượng bán thành phẩm vốn phải bỏ đi trước đây, nay có thể lưu giữ 1 - 2 tháng và từ từ đưa vào quá trình sản xuất SLES thành phẩm. Được triển khai từ tháng 7-2015, giải pháp của anh Cường đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho Nhà máy ABS. Ước tính mỗi năm giải pháp này làm lợi gần 800 triệu đồng, bao gồm giá trị từ lượng bán thành phẩm không bị bỏ phí và chi phí lẽ ra phải bỏ ra để thuê xử lý chất thải nguy hại.
Một sáng kiến khác ghi dấu ấn của kỹ sư Hà Quốc Cường là giải pháp “hồi sinh” phế phẩm LASF, đưa vào quá trình sản xuất LAS (chất hoạt động bề mặt sử dụng cho bột giặt, nước rửa chén, các sản phẩm tẩy rửa), vừa đạt chất lượng vừa an toàn cho máy móc. Trước đây, quá trình tái chế phế phẩm này đã được thực hiện tại Nhà máy ABS, tuy nhiên lại phát sinh nhược điểm là làm ăn mòn thiết bị. “Không chịu bó tay, nhất định sẽ có cách khắc phục”, anh Cường tự nhủ và bắt đầu phân tích quy trình để tìm lý do. Phát hiện việc đưa LASF vào tái chế từ công đoạn đầu của quá trình sản xuất LAS dẫn đến máy móc bị giảm tuổi thọ, anh Cường đề xuất giải pháp đưa vào công đoạn cuối. Thành công của ý tưởng này giúp Nhà máy ABS làm lợi hơn 4,7 tỷ đồng trong hai năm 2014, 2015.
Đây là hai trong số nhiều giải pháp, sáng kiến của anh Hà Quốc Cường được đưa vào áp dụng tại đơn vị từ năm 2011 đến nay. Trò chuyện về sự khởi đầu của những sáng kiến ấy, anh cười hiền, giải thích: “Tất cả xuất phát từ sự đam mê mà thôi. Khi đặt hết tâm huyết vào công việc, mình sẽ tìm thấy lối thoát cho những khó khăn phát sinh”. Câu trả lời đơn giản, nhưng ẩn chứa phía sau là sự kiên trì, miệt mài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để công việc đạt được hiệu quả cao nhất của người kỹ sư trẻ.
Không chỉ là người phó quản đốc giỏi nghề, anh Cường còn luôn tận tâm truyền nghề cho những người đi sau. Từ năm 2013 - 2015, anh trực tiếp đào tạo bổ sung và đào tạo mới cho 105 lượt công nhân trực tiếp vận hành sản xuất. Trong những công nhân được anh đào tạo, 81 lượt người đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua. Ngoài ra, vào tháng 12-2015, với sự chấp thuận của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, anh được giám đốc công ty phân công trực tiếp đào tạo lớp an toàn hóa chất cho 114 người lao động tiếp xúc với hóa chất theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Tico, nhận xét: “Trong công việc, anh Hà Quốc Cường là người hiểu biết về kỹ thuật, gương mẫu, trách nhiệm và cương trực, sẵn sàng hỗ trợ anh em hết mình. Trong cuộc sống, là Phó Chủ tịch Công đoàn của công ty, anh luôn hòa đồng, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng anh em để làm cầu nối hiệu quả giữa người lao động với lãnh đạo công ty. Giải thưởng Tôn Đức Thắng là sự tôn vinh xứng đáng đối với những gì anh đã cống hiến”.
ÁI CHÂN