Tại Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, anh là một trong những người tiên phong của phong trào lao động sáng tạo. 9 sáng kiến của anh Phúc đưa ra đều trong lúc “tình hình cấp thiết”, giúp công ty ổn định sản xuất.
Cải tiến công nghệ nhập ngoại
Tự thấy mình có xuất phát điểm thấp, anh Phúc vừa làm vừa học trung cấp nghề, ngành cơ điện. Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, nơi anh Phúc làm việc, cũng trải qua nhiều sóng gió. Đỉnh điểm khó khăn, công ty ngưng sản xuất vào các năm 2008, 2009.
Đến khi tái hoạt động, khó khăn vẫn không thôi bủa vây. Máy móc hư hỏng, công ty không có tiền để mua vật tư thay thế. Gặp cảnh gian nan, anh Phúc không rời bỏ công ty, mà ngược lại càng làm việc chăm chỉ hơn, dành gần 2 năm trời cùng đồng nghiệp miệt mài sửa chữa, tự chế thiết bị máy móc.
Nan giải nhất là các dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bông nhập từ các nước châu Âu vào năm 2002 đều xuống cấp, hoạt động chập chờn.
Công nhân Trần Hạnh Phúc đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp tăng năng suất
Lúc công ty nhập máy, bí mật công nghệ bị giữ, các nhà cung cấp nước ngoài khóa password, không chuyển giao cách xử lý tình huống, cài đặt chương trình, ứng dụng. Đến khi các máy xuống cấp, công nhân rất vất vả.
Mỗi lần khởi động máy, người vận hành phải dùng tay gõ vào các bộ điều khiển và bám rịt lấy máy trong suốt quá trình hoạt động, không dám bỏ đi đâu vì sợ máy dừng đột ngột. Năm 2013, máy làm sạch bông thô nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất (máy C1600) bị hỏng màn hình (rộng 7 inch).
Công nhân không thể thấy được thông tin của màn hình để vận hành, kiểm soát máy. Chiếc máy bị tê liệt, dừng hoạt động. Bí mật công nghệ bị giữ, công ty chỉ còn cách mua màn hình mới từ nước ngoài.
“Thời gian để nhận được màn hình mới từ nhà cung cấp ít nhất là 40 ngày. Tiền khoảng 200 triệu đồng (khoảng 10.000USD)”, anh Phúc nhớ lại, vẫn nguyên cảm giác xót tiền, xót thời gian từ năm nào.
Không cam lòng lệ thuộc công nghệ, công nhân Trần Hạnh Phúc bắt tay vào nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu các màn hình hiện tại sẵn có ở trong nước.
Sau 1 tuần tìm tòi, anh Phúc kiến nghị với lãnh đạo công ty biện pháp chuyển đổi màn hình HMI Proface đang hỏng bằng màn hình Delta có sẵn, giá chỉ khoảng 5 triệu đồng. Vấn đề là màn hình mới chưa tương thích với hoạt động máy.
Để được chấp nhận giải pháp thay thế, anh Phúc nghiên cứu thuật toán lập trình, viết chương trình kết nối máy móc với màn hình Delta; thiết kế giao diện, cài đặt lại các tính năng, ứng dụng. Không những thế, anh Phúc còn Việt hóa ngôn ngữ, thêm cả chức năng mới về cảnh báo sự cố cho người vận hành giám sát dễ dàng nắm bắt.
Cách xử lý của anh Phúc đã làm lợi cho công ty cả trăm triệu đồng. Không hẳn là tiền, niềm vui của anh Phúc còn ý nghĩa hơn thế. Lần đầu tiên trong công ty, một công nhân đã tìm ra giải pháp thuộc công nghệ mới, kỹ thuật cao để ứng dụng vào lập trình, điều khiển giám sát máy móc.
Trách nhiệm người lao động
Sau dấu ấn này, anh Phúc càng tích cực tìm tòi, sáng tạo. Không đợi máy móc nằm liệt một chỗ mới lao vô xử lý, chỉ cần thấy hiện tượng máy móc muốn “đình công” là anh Phúc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo hướng nghiên cứu, xử lý.
Công ty luôn động viên, tạo điều kiện cho anh Phúc nghiên cứu dự phòng. Và cách “phòng bệnh” của anh Phúc đã có lần cứu hoạt động sản xuất ở công ty. Năm 2014, một máy cấp bông (phá kiện bông 200kg, xới nhuyễn ra và thổi bông sang các chuyền khác sản xuất) có dấu hiệu “đơ” màn hình điều khiển hoạt động.
Đây là máy chủ lực trong dây chuyền khai thác bông nguyên liệu - dây chuyền đầu tiên của nhà máy. Nếu máy tê liệt, toàn bộ nhà máy cũng đứng theo vì không có bông bán thành phẩm để sản xuất.
Anh Phúc dành 1 tháng nghiên cứu giải pháp chuyển đổi màn hình, tìm hiểu sơ đồ xếp bông và công nghệ pha phối để lập trình giao diện màn hình tương thích với máy.
Ngày chiếc máy “đứng hình” cũng là ngày anh Phúc hoàn thiện giải pháp chuyển đổi màn hình, phục hồi và bổ sung thêm nhiều chức năng khác giúp máy tăng năng suất.
9 sáng kiến của anh Phúc đã làm lợi cho công ty hơn 1,1 tỷ đồng. Các máy móc đều hoạt động tốt từ đó đến nay. Mỗi lần có sáng kiến, anh Phúc được thưởng 2 - 5 triệu đồng.
Số tiền thưởng không cao, chỉ mang tính chất động viên và anh Phúc, dù cuộc sống còn nhiều vất vả, vẫn không đòi hỏi gì thêm. Bởi anh xác định, sáng tạo là trách nhiệm của người lao động và đó cũng là quyền lợi của mình.
Mỗi lần thử nghiệm ý tưởng mới là mỗi lần anh được thực hiện ước mơ nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ, làm giàu cho hiểu biết của mình và đóng góp cho công ty. Đó là phần thưởng lớn nhất, là niềm hạnh phúc của anh Trần Hạnh Phúc với công ty anh gắn bó suốt 29 năm nay.