Sáng tạo từ điện thoại cũ

Với chiếc điện thoại cũ, còn dùng được, bạn sẽ làm gì với nó: đem tặng người không có điện thoại hoặc cho vào tủ kính để ai mua thì bán; giữ làm bộ sưu tập điện thoại...? Nhưng bạn trẻ Mai Sỹ Lâm (quận 6, TPHCM) có cách dùng khác: biến điện thoại cũ thành thiết bị chống trộm giá rẻ.
Sáng tạo từ điện thoại cũ

Với chiếc điện thoại cũ, còn dùng được, bạn sẽ làm gì với nó: đem tặng người không có điện thoại hoặc cho vào tủ kính để ai mua thì bán; giữ làm bộ sưu tập điện thoại...? Nhưng bạn trẻ Mai Sỹ Lâm (quận 6, TPHCM) có cách dùng khác: biến điện thoại cũ thành thiết bị chống trộm giá rẻ.

Sáng tạo từ điện thoại cũ ảnh 1

         Mai Sỹ Lâm (giữa) nhận giải thưởng sáng chế TPHCM với thiết bị chống trộm của mình.

Theo Mai Sỹ Lâm, ý tưởng này được bạn nghiên cứu thành công hơn 10 năm trước. “Tôi được chị gái cho một chiếc điện thoại di động cũ. Theo thói quen từ nhỏ, việc đầu tiên là khám phá hết tính năng của điện thoại, để ý một số chức năng mình chưa tìm ra. Trong đó, suy nghĩ làm sao để nó có thể báo động chống trộm hiệu quả. Khó khăn lớn nhất là không can thiệp được vào phần mềm của điện thoại. Vì vậy, tôi đã nhờ một anh chuyên về điện tử làm giúp cái mạch điện. Có mạch điện trong tay, tôi lại mua thêm linh kiện giống hệt vậy ráp theo. Ráp thành công mới bắt đầu chỉnh sửa theo ý đồ của mình mong muốn để kết nối với điện thoại di động”, Mai Sỹ Lâm kể lại.

Sáng tạo ban đầu khiến nhiều bạn bè của Lâm hứng thú. Nhưng vào thời điểm đó, việc sở hữu một chiếc điện thoại di động là việc quá tầm, nên dự án làm thiết bị báo động chống trộm, hoặc hệ thống khóa cửa và mở cửa tự động từ xa cho ngôi nhà của Lâm buộc phải gác lại. Nhưng hiện nay, điện thoại thông minh đã quá rẻ, nghiên cứu vốn ấp ủ trước đây lại được Lâm “lôi ra” hoàn thiện trở lại.

Theo Mai Sỹ Lâm, hoạt động của sản phẩm khá đơn giản. “Nếu gắn thiết bị này vào cửa cuốn chẳng hạn. Khi anh có việc đi xa nhà nhưng có người thân dưới quê lên chơi bất ngờ. Anh chỉ việc lấy điện thoại ra gọi vào cửa, hoặc nhắn tin vào cửa thì cửa sẽ tự động mở. Cửa mở sẽ thông báo phản hồi lại chủ nhà. Mình có thể cài đặt trong khoảng 15 - 60 giây cửa tự động đóng lại và tiếp tục phản hồi về chủ nhà. Nếu cửa đang đóng, mà có ai đó đến cạy cửa, thiết bị sẽ tự động thực hiện cuộc gọi, hoặc nhắn tin báo động đến chủ nhà, nếu có internet thì nó sẽ báo qua internet. Khác những giải pháp đang có trên thị trường, sản phẩm có cấu trúc mạch điều khiển đơn giản mà không cần lập trình cho IC hoạt động”, Lâm hào hứng cho biết.

Ngoài ra, Lâm còn giới thiệu chức năng màn hình khóa của điện thoại, và camera trước của điện thoại cũng có thể biến Smartphone thành khóa cửa điện tử. Đối với xe máy, bạn trẻ này khẳng định khi gắn thiết bị vào, nếu có một ai đó phá khóa xe máy, hoặc dẫn xe đi thì thiết bị sẽ thực hiện hú còi tại chỗ và đồng thời thực hiện cuộc gọi báo động đến chủ xe...

Qua nhiều lần nghiên cứu, đến nay Lâm đã cải tiến thiết bị trở nên gọn nhẹ và đơn giản. Lâm khẳng định, đây là sáng chế đơn giản, dễ làm và rất rẻ tiền, chỉ tầm 15.000 đồng. Đánh giá riêng của Lâm thì việc kết hợp sáng chế với một chiếc điện thoại cũ đã đạt đến mức 95% để sử dụng tốt, 5% còn lại cần phải can thiệp vào phần mềm và ứng dụng của điện thoại để hệ thống vận hành tốt hơn.

Hy vọng, trong tương lai sẽ có một nhà đầu tư đúng nghĩa để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện do Lâm sáng chế có mặt trên thị trường, vì lợi ích lớn nhất chính là sản phẩm đa tính năng, nhưng giá thành lại thấp hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường.

NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục