Cuộc tấn công của quân đội Iraq do Mỹ yểm trợ vào thành phố Mosul, Iraq, kéo dài nhiều tháng qua đang tới hồi kết nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kháng cự quyết liệt với việc giữ 100.000 người làm “lá chắn sống” và tổ chức khủng bố tràn lan tại châu Âu.
Quyết tử chiến
Theo AP, quân đội Iraq ngày 19-6 thông báo tấn công vào điểm kháng cự cuối cùng của IS tại Mosul. Trận đánh vào khu phố cổ, được dự báo rất khó khăn vì hết đất chạy, IS sẽ tử chiến. Mosul rơi vào tay IS từ năm 2014.
Theo tuyên bố của tướng Adbelamir Yarallah, chỉ huy chiến dịch tái chiếm Mosul, các lực lượng quân sự, chống khủng bố và cảnh sát quốc gia đã bắt đầu tấn công vào khu phố cổ Mosul.
Tướng Abdel Wahab al-Saadi, một chỉ huy lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố cũng đã khẳng định thông tin trên. Mosul là thành phố lớn cuối cùng của Iraq mà quân đội chính phủ nước này chưa hoàn toàn kiểm soát từ khi chiến dịch tái chiếm lãnh thổ được tiến hành từ hơn một năm nay.
Trong bối cảnh IS bị thua trên hai chiến trường từ Syria cho đến Iraq, ông Bruno Geddo, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn ở Iraq khẳng định với báo chí tại Genève là khoảng 100.000 thường dân Iraq bị giữ lại bên trong thành phố Mosul để làm “lá chắn sống”.
Ông Bruno Geddo cũng cho biết thêm là IS gom dân về đây với mục đích đánh trận cuối cùng gây thiệt hại thật nặng, hầu để lại tiếng vang trong lịch sử.
Chiến binh IS dự trữ lương thực, thực phẩm trong khi thức ăn, điện, nước và xăng dầu ở Mosul đang can kiệt. Liên hiệp quốc lo ngại điều kiện sống của các thường dân còn đang mắc kẹt bên trong thành phố Mosul ngày càng thiếu thốn.
Tổ chức khủng bố nhiều nơi
Theo các cơ quan tăng cường luật pháp châu Âu, trong bối cảnh IS đang bị dồn vào đường cùng tại Syria và Iraq, chúng kêu gọi những người ủng hộ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố. Đó là lý do vì sao hàng loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở châu Âu.
Châu lục này đang đầy rẫy những tay súng trở về từ Iraq và Syria cùng những cảm tình viên với IS nhưng bị ngăn chặn không cho tới Iraq hay Syria nên càng dễ có nhiều hành động khủng bố bộc phát đáng sợ hơn.
Theo tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol), các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố châu Âu có xu hướng ngày càng trẻ hơn và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia. Những người bị bắt do các hoạt động liên quan đến thánh chiến ở châu Âu liên tục tăng trong 3 năm qua với 395 người trong năm 2014 lên 718 trong năm 2016, gần 1/3 trong số này từ 25 tuổi trở xuống.
Ngoài ra, các vụ tấn công gần đây ở London cho thấy những nghi phạm thuộc nhiều quốc tịch. Điều này, theo Ủy viên EU phụ trách an ninh, ông Julian King, bọn khủng bố không có biên giới, điều đó đòi hỏi các nước càng phải có nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo để cuộc chiến chống khủng bố mang lại hiệu quả cao hơn.