Sao không là viện trợ kinh tế?

Trong lúc chính phủ Mali quyết định kéo dài thêm 3 tháng lệnh tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Pháp nhằm đánh bật lực lượng phiến quân Hồi giáo ra khỏi miền Bắc thì ngày 21-1, phát biểu trước các nhà lãnh đạo Arập đang nhóm họp tại thủ đô Riyah của Saudi Arabia, Tổng thống Ai Cập Mohammad Morsi tuyên bố phản đối hành động quân sự do Pháp đứng đầu.

Theo ông Morsi, bất cứ biện pháp can thiệp nào vào Mali “cũng phải mang tính hòa bình”, can thiệp quân sự vào Mali sẽ chỉ góp phần thổi bùng xung đột trong khu vực.

Mali là một trong 50 quốc gia nghèo nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tại Mali được cho là tàn dư của thời kỳ hậu Libya. Khi các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Libya để lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và dựng lên chính phủ mới, hàng trăm chiến binh người Tuareg phải rời bỏ để chạy sang Mali mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc đồng thời tuyên bố ly khai, thành lập “Nhà nước Azawad”. Sau Mali, quốc gia nào trong lục địa đen nghèo khổ này sẽ hứng chịu “hiệu ứng domino” của chiến dịch can thiệp quân sự?

Nghèo đói là hiểm họa đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới, là nguyên nhân dẫn tới bất ổn xã hội và là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh. Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Morsi cho rằng chỉ có viện trợ kinh tế mới có thể giúp thúc đẩy sự phát triển và góp phần chấm dứt bạo lực ở quốc gia Tây Phi này.

Tuần trước, WB cho biết đang tăng tốc nối lại các chương trình viện trợ đã bị ngưng vào năm ngoái sau vụ đảo chính tháng 3-2012. WB cho rằng một cuộc xung đột kéo dài ở Mali không chỉ làm kiệt quệ đất nước này mà có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn mong manh của khu vực. Tăng trưởng kinh tế của Mali thời gian qua đã chậm lại một cách đáng kể và công cuộc làm ăn tại các quốc gia láng giềng như Côte d’Ivoire và Senegal cũng bắt đầu nếm mùi thất bát.

Nếu xung đột kéo dài, làm tăng số người bị mất nhà cửa và khiến cuộc sống của họ lệ thuộc vào viện trợ để sống còn thì dân chúng Tây Phi sẽ nghèo hơn nữa cũng như chọn đi theo lực lượng khủng bố, bắt cóc như lối thoát nghèo. Một thảm họa kinh tế, chính trị thực sự khó có thể tránh được cho toàn khu vực.

Việc Pháp hăng hái đi đầu trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya, rồi Mali cho thấy Pháp muốn xây dựng vị thế ngoại giao và gây dựng lại tầm ảnh hưởng tại khu vực vốn là thuộc địa của Pháp từ những thập niên 1800. Chính sách “một châu Phi của nước Pháp” trong nhiều năm qua đã giúp các công ty Pháp kiểm soát trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản. Nếu Pháp can thiệp vào Libya vì dầu lửa thì lần này can thiệp vào Mali để bảo đảm an ninh cho các tập đoàn Pháp đang giành quyền khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của Mali và khu vực, nhất là urani cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.

Suy cho cùng, bản chất các cuộc can thiệp quân sự hiện nay là vì lợi ích của các nước lớn. Vì vậy, tương lai của Mali rồi đây cũng giống như Iraq, Afghanistan hay Libya...  

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục