Mới đây, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới. Đến phần cuối chương trình cuộc họp, khi đề cập đến chủ trương xã hội hóa, đóng góp xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh, nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt. Dự kiến làm mới hệ thống nhà vệ sinh của trường hết khoảng 700 - 800 triệu đồng.
Hầu hết phụ huynh phản ứng, bởi lẽ, đầu năm họ đã phải đóng đủ các khoản tiền theo quy định lẫn ngoài quy định trên tinh thần tự nguyện như quỹ lớp, quỹ trường… nay lại phải đóng tiền xây nhà vệ sinh. Đành rằng nhà vệ sinh của trường đã xuống cấp và các cháu luôn phản ánh không dám bước vào nhà vệ sinh vì nặng mùi, thiếu nước dội, phải đợi về nhà mới đi vệ sinh, thì rất cần đầu tư xây mới. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cho rằng trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng của trường học thuộc về chính quyền địa phương (UBND quận 1) và không nên trông chờ vào nguồn xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp số tiền lớn như dự kiến. Cuối cùng, phụ huynh của nhiều lớp tỏ thái độ không đồng tình đóng tiền xây nhà vệ sinh, dù là thiết thực.
Tại sao câu chuyện về nhà vệ sinh năm nào cũng xới lên, cũng gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh nhưng ngành giáo dục và chính quyền địa phương không phối hợp giải quyết triệt để và đến kỳ họp phụ huynh đầu năm lại yêu cầu phụ huynh bỏ tiền túi? Thật không thể tin được ở một ngôi trường trọng điểm của quận 1 - nằm giữa trung tâm TPHCM - lại để tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp trầm trọng và khiến học sinh sợ hãi, không dám bước vào. Ai cũng hiểu khi học sinh chọn cách “nín” không dám đi vệ sinh ở trường và chịu đựng với thời gian dài sẽ gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe của các cháu. Vậy ai phải chịu trách nhiệm liên đới về việc này? Chúng ta đang nói nhiều đến mô hình trường học hiện đại tiên tiến, hội nhập quốc tế và tạo môi trường thân thiện cho học sinh, nhưng lại thiếu quan tâm đến nhu cầu nhỏ nhất là đi vệ sinh của các cháu. Làm sao học sinh có thể dành tình yêu trọn vẹn cho ngôi trường mình khi nhắc đến nhà vệ sinh với các cụm từ “khủng khiếp”, “dơ ơi là dơ”…
Thiết nghĩ, trước khi làm những điều to tát, ngành giáo dục và chính quyền địa phương hãy xúc tiến đề án “hiện đại hóa nhà vệ sinh”. Theo đó, các quận, huyện phải tổng rà soát lại nhà vệ sinh ở các trường học và thấy nơi nào xuống cấp, chưa đạt chuẩn thì phải lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây mới ngay. Cần xem chương trình hiện đại hóa nhà vệ sinh là ưu tiên số một trước khi bắt tay vào các đề án khác về hiện đại hóa trường học. Ngoài nhu cầu được học, được vui chơi, các em phải được sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn tối thiểu. Đó là thông điệp cấp bách mà phụ huynh gửi đến các cấp chính quyền và các ngành chức năng ở TPHCM.
ÁNH HÀ