(SGGPO).- Ngày 9-10, Bộ Y tế đã thông tin đến báo chí về Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sắp được ban hành.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cho biết, so với mức giá dịch vụ y tế hiện nay, mức giá viện phí mới do liên Bộ dự kiến ban hành có bổ sung thêm: Chi phí trực tiếp (thuốc, vật tư tiêu hao trực tiếp), Tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù gồm phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Giá viện phí dự kiến ban hành gồm: giá khám bệnh, phân theo hạng bệnh viện (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 chung mức giá); giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện. Đáng chú ý, với việc ban hành thông tư liên tịch này sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán sẽ được điều chỉnh giá.
Viện phí tăng, người bệnh liệu có còn phải chầu chực, chờ đợi khổ sở khi đi bệnh viện
Liên quan tới lộ trình thực hiện tăng viện phí, đại diện Bộ Y tế cho biết, để hạn chế tối đa tác động tới người bệnh khi tăng viện phí, Bộ Y tế dự kiến lộ trình thực hiện việc điều chỉnh viện phí này theo 2 bước. Trước mắt là trong năm 2015 (dự kiến cuối tháng 11 và đầu tháng 12) khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá gồm: Chi phí trực tiếp và Phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Tiếp đó đến ngày 1-3-2016 thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP bao gồm tính thêm tiền lương. Mặt khác, bước đầu việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT, có nghĩa là người bệnh có BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay. Tiếp đó trong năm 2016 sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới với đối tượng không có BHYT.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên cũng thẳng thắn, điều chỉnh viện phí là chính sách lớn có tác động tới an sinh xã hội, chắc chắn không đáp ứng được tất cả yêu cầu của mọi đối tượng nên việc điều chỉnh viện phí được tính toán rất kỹ sao cho cân đối và phù hợp nhất đối với người dân. Theo đó, đối với người có BHYT, viện phí điều chỉnh sẽ tác động đến các nhóm có khác nhau. Cụ thể là khoảng 23,7 triệu người người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi vì được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh kể cả phần tăng thêm. Cùng với đó cũng không phải chi trả thêm một số chi phí khác mà trước đây chưa kết cấu vào giá viện phí.
Đối với người cận nghèo đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí mua thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 phải đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều. Còn các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
|
NGUYỄN QUỐC