Sau 1 tháng đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội: Đường thoáng nhưng...

Sau 1 tháng đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội: Đường thoáng nhưng...

Sau 1 tháng thực hiện đổi giờ học, giờ làm, cảm nhận chung của những người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội: đường phố khá thông thoáng, tình trạng ùn tắc giảm hẳn, nhất là giờ cao điểm sáng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia giao thông vẫn chưa dám khẳng định hiệu quả của việc đổi giờ.

Sau khi đổi giờ học, giờ làm, giao thông trên đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) trở nên thông thoáng hơn. Ảnh: Minh Anh

Sau khi đổi giờ học, giờ làm, giao thông trên đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) trở nên thông thoáng hơn. Ảnh: Minh Anh

Mặc dù không ít người nghi ngờ về tác dụng giảm ùn tắc giao thông của việc đổi giờ học, giờ làm, thậm chí rất nhiều ý kiến phản đối kịch liệt kế hoạch đổi giờ bởi nó ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, không thể phủ nhận rằng, giao thông Hà Nội có vẻ thông thoáng hơn.

Nhiều người đã từng rất kinh hãi khi phải đi qua các tuyến đường vốn là những điểm nóng của giao thông Hà Nội nhiều năm qua như Đê La Thành, Nguyễn Thái Học, Thái Hà, Thái Thịnh, Giảng Võ, Trường Chinh... hay đi qua những ngã tư như Láng - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Tôn Thất Tùng - Chùa Bộc... chỉ chừng 1 - 2km nhưng phải mất ít nhất 1 giờ mới thoát được. Thực tế, khoảng 1 tháng trở lại đây, những điểm nóng giao thông này đã được cải thiện rất đáng kể, hầu như không còn ùn tắc vào giờ cao điểm sáng. Giờ cao điểm chiều, tuy vẫn xảy ra ùn ứ cục bộ nhưng tình trạng không quá căng thẳng như trước kia.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: “Việc đổi giờ học, giờ làm đã mang lại hiệu quả bước đầu. Đồng thời với việc đổi giờ, Hà Nội đang thực hiện thêm nhiều giải pháp chống ùn tắc khác như cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố nội thành. Những giải pháp này đã  góp phần làm giao thông Hà Nội thông thoáng hơn”.

Không thể phủ nhận tình hình giao thông ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên nhiều chuyên gia giao thông vẫn tỏ ra e ngại khi đánh giá hiệu quả giải pháp này. Nhiều ý kiến cho rằng chưa thể kết luận tác động của việc đổi giờ bởi thực tế việc đổi giờ của Hà Nội chưa làm triệt để. Hiện mới chỉ có đối tượng học sinh, sinh viên và khối kinh doanh dịch vụ thực hiện đổi giờ và sau 1 lần điều chỉnh, khoảng cách đổi giờ không còn chênh lệch nhiều so với khung giờ cũ. Có ý kiến còn cho rằng kế hoạch đổi giờ của Hà Nội đã bị “phá sản”.

TS Khuất Việt Hùng (Đại học GT-VT Hà Nội) cho rằng: “Hiệu quả từ việc đổi giờ là có nhưng chưa thật sự rõ ràng. Để việc đổi giờ phát huy tác dụng,  Hà Nội phải có một lộ trình bài bản hơn, từ việc khảo sát nhu cầu, giờ giấc đi lại của các nhóm người tham gia giao thông, xây dựng một mô hình giao thông 24 giờ của thành phố, sau đó mới đưa vào triển khai thực tế”. Nhận xét khách quan hơn về việc đổi giờ, tiến sĩ Hùng nhận định: “Cái được lớn nhất của việc đổi giờ, người dân đã có nhận thức về hành vi giao thông của cá nhân có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động giao thông chung của cộng đồng, nó có thể gây ùn tắc hoặc có thể làm thông thoáng hơn”.

Trong buổi làm việc mới đây với quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng nhận xét trật tự giao thông tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các giải pháp vừa qua, đổi giờ học giờ làm đã phù hợp chưa, còn cái gì tồn tại, bất cập để khắc phục nhằm cải thiện hơn nữa giao thông thủ đô. Bộ trưởng cũng cho biết, trong tháng 3 này, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ làm việc với Bộ GT-VT, để kiểm tra việc thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn nói chung, trong đó có Hà Nội và TPHCM.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục