Sau phản ánh của Báo SGGP, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc phá rừng

Chiều 25-8, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã cùng với PV Báo SGGP và các cơ quan báo chí khác đi kiểm tra thực tế việc phá rừng tại Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, sau thông tin
Sau phản ánh của Báo SGGP, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc phá rừng

(SGGPO).- Chiều 25-8, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã cùng với PV Báo SGGP và các cơ quan báo chí khác đi kiểm tra thực tế việc phá rừng tại Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, sau thông tin Báo SGGP đã phản ánh trong sáng cùng ngày.

Sau phản ánh của Báo SGGP, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc phá rừng ảnh 1

Dấu vết cắt gỗ vẫn còn mới tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa. Ảnh: Đồng Nguyên

Từ đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Nam Bình, huyện Đắk Song, Đắk Nông) đoàn rẽ vào đoạn đường đất dẫn sâu vào khu vực rừng thuộc địa phận lâm phần của Công ty TNHH Đức Hòa quản lý. Đi chừng khoảng 1km, đến được cửa rừng thì nhìn thấy ngay một cảnh tượng hoang tàn. Những vạt rừng xanh thẳm trước đây đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là hàng trăm hécta cà phê hoa màu khác. Những cây cổ thụ gỗ hiếm giờ đây chỉ còn trơ gốc cháy đen. Tiếp tục đi sâu vào tim rừng, chúng tôi thấy dọc theo lối đường hàng chục biển hiệu rao bán rẫy công khai. Dù những mảnh rẫy hoa màu này do người dân tự ý lấn chiếm rừng trồng hoa màu, không được cấp giấy phép sử dụng nhưng vẫn được rao bán ngang nhiên.

Nhiều miếng gỗ lớn còn để lại tại rừng. Ảnh: Đồng Nguyên

Để làm rõ về thực trạng rừng bị tàn phá, ông Trương Thanh Tùng đã chỉ đạo đi sâu vào rừng để khảo sát thực tế tại lâm phần của Công ty Đức Hòa quản lý ở vùng giáp ranh 3 xã Nam Bình, Đắk Hòa và Đắk Môl của huyện Đắk Song. Tiếp tục đi sâu vào bên trong con đường đất đỏ nhày nhụa, khó đi vì cơn mưa tối qua và những dấu vết của những lớp xe lớn càng phá khiến xe chúng tôi không thể tiếp tục lăn bánh được nữa. Quyết định dừng xe, nhóm chúng tôi quyết định đi bộ men theo lối mòn dẫn vào trong. Càng đi sâu vào trong chúng tôi càng bất ngờ khi nhìn thấy cảnh rừng bị tàn phá và lấn chiếm đến kinh hoàng. Nhìn bên ngoài những vạt rừng vẫn còn thưa thớt tuy nhiên khi càng đi sâu vào trong thấy hàng trăm hécta hồ tiêu, chanh dây được trồng.

Chỉ cần đi quanh những khu vực ranh giới tiếp giáp giữa nương rẫy của người dân có thể nhận thấy mức độ rừng bị lấn chiếm rất lớn. Những cây gỗ lớn ở khu vực này được các đối tượng cưa hạ xẻ hộp đưa ra ngoài còn lại những cây gỗ nhỏ thì đốt cháy để mở rộng diện tích. Dấu vết để lại là những phách bìa cây không dùng được, và hàng trăm cây rừng nhỏ bị đốt cháy đen. Hàng trăm cây gỗ rừng đã bị cưa hạ, dấu vết còn rất mới, lá vẫn chưa kịp héo. Thậm chí ngay thời điểm có mặt, đoàn kiểm tra vẫn nghe rõ tiếng máy cưa phát ra từng hồi từ khu rừng rậm từ xa.

Nhiều cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ, lá cây vẫn còn xanh tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa. Ảnh: Đồng Nguyên

Qua thực tế kiểm tra, ông Trương Thanh Tùng cho biết, sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan để có giải pháp cho vấn đề này, và cũng sẽ có phản hồi thông tin liên quan với báo chí.

Trước đó, vào sáng 25-8, Báo SGGP đã phản ánh tình trạng rừng Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa bị lâm tặc chặt phá, người dân lấn chiếm rừng làm rẫy tràn lan. Vào tối 24-8, PV Báo SGGP cũng đã báo cho Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông bắt một xe chở gỗ lậu từ lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa đi ra thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Hiện chiếc này đã được bàn giao cho Công an thị xã Gia Nghĩa điều tra, xử lý.

CÔNG HOAN – ĐỒNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục