Sẽ cấp hạn mức tín dụng cho hộ nông dân

3 năm, tín dụng tăng 2,1 lần
Sẽ cấp hạn mức tín dụng cho hộ nông dân

Khơi thông tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Hôm qua, 15-8, tại buổi giao lưu trực tuyến “Đáp ứng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn” ở Hà Nội, đại diện Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) cho biết, để khơi thông tín dụng cho nông dân trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nghiên cứu cấp hạn mức tín dụng cho hộ nông dân để vừa góp phần bảo toàn nguồn vốn ngân hàng, vừa tạo điều kiện cho bà con nông dân dễ dàng vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Nhờ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân có vốn đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Nhờ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân có vốn đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

3 năm, tín dụng tăng 2,1 lần

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2010 khi Chính phủ ban hành Nghị định 41 thì dư nợ tín dụng cho nông nghiệp là 292.000 tỷ đồng. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, dư nợ đã tăng lên 622.000 tỷ đồng, tăng 2,1 lần.

Trước khi có Nghị định 41, mức cho vay không có tài sản đảm bảo với hộ nông dân tối đa chỉ là 10 triệu đồng, đối với trang trại là 50 triệu đồng, hợp tác xã là 100 triệu đồng. Quy định này khiến người nông dân nghèo không có tài sản rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nghị định 41 đã giải tỏa, tạo điều kiện cho bà con nông dân với việc nâng mức vay không tài sản đảm bảo từ 10 lên 50 triệu đồng, đối với trang trại là 50 lên 200 triệu đồng, hợp tác xã là từ 100 lên 500 triệu đồng, giải quyết lượng vốn lớn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng. Theo ông Mạnh, nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn hiện chiếm 18% - 19% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng, nếu cộng cả dư nợ tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội thì chiếm khoảng 20% - 22%, tương ứng với mức đóng góp cho GDP cả nước của ngành nông nghiệp. 

Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn VN (VARHS) 2006 - 2012, có 50% số hộ nông dân được khảo sát có vay nợ, 60% trong số đó ghi nhận có vay của ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô vay rất thấp, chỉ chiếm 13,6% trong tổng lượng vay. “Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam thường cân đo, đong đếm trước khi vay ngân hàng, sẽ làm gì, sản xuất như thế nào để có thể hoàn trả được nợ ngân hàng, vì vậy  tỷ lệ nợ xấu của nông dân thấp nhất trong các nhóm vay” - ông Mạnh lý giải.

Xây dựng chuỗi liên kết để tín dụng bền vững

Có một thực tế là các hộ nông dân, và cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn hiện vẫn ở tình trạng sản xuất manh mún, mối liên kết của chuỗi sản xuất nông nghiệp hầu như chưa được hình thành. Đây cũng là một rào cản khiến các ngân hàng chưa dám “mở rộng cửa” về vốn cho khu vực tam nông. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải nắm bắt, xác định thị trường như thế nào để đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp. “Tiếc rằng đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta chưa đủ khả năng tận dụng cơ hội của thị trường để tổ chức liên kết, đồng hành với nông dân sản xuất. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ngoài vấn đề vốn, kỹ thuật, thì vấn đề kinh doanh sản phẩm, bán hàng là rất quan trọng” - ông Tám nói. Ông Nguyễn Viết Mạnh cũng đồng tình khi cho rằng phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết thì khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp cho vay.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) cho biết, vừa qua ngân hàng này đã cử 7 đoàn cán bộ khảo sát tại khu vực đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam để nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, cũng như cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con. “Ví dụ, chúng tôi sẽ cho vay theo niên vụ cây trồng; cho vay theo hạn mức tín dụng. Nghĩa là hộ nông dân được cấp một hạn mức vay nào đó, đầu tư vào sản xuất đến hết vụ thì trả lại ngân hàng, vụ sau lại tiếp tục vay mà không phải làm thêm hồ sơ, thủ tục nữa” - ông Đông nói. Bên cạnh đó, quy trình cho vay cũng được ngân hàng triển khai theo hướng chặt chẽ từ tiếp cận thẩm định, quản lý nợ vay của từng khoản vay; cơ chế minh bạch rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để giáo dục ý thức của cán bộ ngân hàng tránh phiền hà cho dân khi vay vốn ngân hàng, từ đó cũng hạn chế được rủi ro. Một vấn đề khác là hiện Agribank đang nghiên cứu, đề xuất lên cấp có thẩm quyền để nông dân vẫn được hỗ trợ tại những địa bàn không phải nông nghiệp theo Nghị định 41.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục