(SGGP).- Ngày 30-9, Bộ GTVT đã họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu cũ đến năm 2020 định hướng đến 2030 với sự tham dự của 21 thành viên gồm đại diện các bộ: GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công thương…
Theo đó, khu vực phá dỡ được xác định sẽ tập trung tại Hải Phòng và một số vùng phụ cận. Hiện có 5 cơ sở nằm trong quy hoạch có khả năng tham gia vào phá dỡ tàu, trong đó có 4 nhà máy tại Hải Phòng, Quảng Ninh và 1 nhà máy ở miền Trung. Khu vực phía Nam có 15 nhà máy đóng tàu sửa chữa nhưng không được xác định phát triển phá dỡ tàu cũ. Theo bản quy hoạch này, công nghệ phá dỡ được lựa chọn phù hợp với Luật Môi trường và năng lực của các nhà máy đóng tàu hiện nay. Tàu thuyền cũ đưa vào phá dỡ sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, được đưa vào neo đậu tại cầu cảng, cắt khối lớn, thực hiện phá dỡ trong bãi. Đến năm 2020, ngành phá dỡ tàu đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 600 tỷ đồng, Nhà nước thu các khoản thuế, lệ phí 450 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 900 lao động trực tiếp, hàng ngàn lao động gián tiếp. Lượng thép phế thu hồi đạt gần 239.000 tấn thép, đáp ứng khoảng 8% lượng thép phế nhập khẩu hàng năm.
Theo Bộ GTVT, mục tiêu của quy hoạch nhằm quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển hiện nay đang được triển khai một cách bừa bãi, không định hướng, không có giấy phép hoạt động, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đây là quy hoạch mở, không hạn chế kích thước tàu, chỉ hạn chế mớn nước và tĩnh không.
BÍCH QUYÊN