Theo “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020”, Bộ Quốc phòng sẽ thay mặt Nhà nước nắm 100% vốn tại 17 doanh nghiệp quân đội; số còn lại sẽ tiến hành cổ phần hóa, rút vốn, sắp xếp lại hoặc giải thể nếu kinh doanh không hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thực hiện 5 đề án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bằng nhiều hình thức sắp xếp, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước theo nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay trong quân đội, số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn; cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý; công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp, qua thời gian dài hoạt động, để lại nhiều tồn đọng về tài chính, đến nay chưa giải quyết được.
Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính; cá biệt có những doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, nợ thuế...
Theo Thượng tướng Trần Đơn, thời gian qua, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội. Ngày 11-4-2017, Quân ủy Trung ương đã nhất trí cao thông qua “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” và Bộ Quốc phòng đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời ban hành Nghị quyết số 425NQ/QUTW ngày 18-5-2017. Ngày 4-10-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trên. Đề án này thể hiện rõ mục tiêu và quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước để làm cho doanh nghiệp quân đội mạnh lên, hoạt động hiệu quả, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Đây là bước cơ bản để tổ chức lại doanh nghiệp quân đội, gắn sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của quân đội.
Ngay sau khi hội nghị kết thúc, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết, qua các lần sắp xếp, từ trên 300 doanh nghiệp từ trước năm 2000, đến nay còn lại 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý. Khoảng 90% trong số này đang làm ăn tốt, có lãi. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn về cả quy mô, doanh thu và đóng góp ngân sách Nhà nước như Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam…
Dự kiến trong năm 2017 này, khối doanh nghiệp quân đội đạt tổng doanh thu 379.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 46.000 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 43.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 183.000 người lao động đang làm việc ở tất cả các doanh nghiệp quốc phòng.
Theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành sắp xếp, đổi mới hệ thống doanh nghiệp quân đội với phương châm gắn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; coi trọng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.
Đề án này đến 2020 sẽ được thực hiện xong. Theo đó, Bộ Quốc phòng chỉ duy trì 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đây là những doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống; đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài; phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong số này có 12 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tốt và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; 5 doanh nghiệp mới sẽ được hình thành trên cơ sở cơ cấu, sáp nhập nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau ở các lĩnh vực vực đặc thù của quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa 29 doanh nghiệp và thoái vốn ở 20 doanh nghiệp khác.
Với các doanh nghiệp quân đội, sau khi tiến hành sắp xếp, đổi mới, mỗi doanh nghiệp chỉ có 2 ô tô mang biển quân đội (biển màu đỏ) để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; số ô tô còn lại của doanh nghiệp sẽ chuyển sang biển số dân sự.
Theo Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, đến nay đã có hơn 1.400 ô tô mang biển quân đội trong các doanh nghiệp quân đội chuyển sang biển dân sự. Bộ Quốc phòng cũng sẽ quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, nhằm đảm bảo đất được Nhà nước giao được thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ.
“Trong quá trình thực hiện đề án, Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp không có hoặc có ít nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sáp nhập các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có quy mô nhỏ và chuyển thành đơn vị phụ thuộc, nhằm tạo ra các doanh nghiệp có quy mô phù hợp, tập trung, tích tụ được vốn đầu tư cho phát triển sản xuất; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sát với từng loại hình doanh nghiệp, giữ ổn định tình hình quân đội” - Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết.