Cây dó trầm (còn được gọi là dó bầu, trầm hương) đã từng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Giờ đây, Bộ NN-PTNT đã đưa ra khỏi danh sách nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng hiện nay, nhiều người vẫn đang âm thầm buôn trầm hương ra nước ngoài và phong trào trồng dó trầm chỉ là bùng nổ tự phát khắp từ trong Nam ra ngoài Bắc mà chẳng cơ quan nào chịu thừa nhận cũng như quản lý một cách rõ ràng. Vậy có nên mở cửa cho trồng đại trà và khai thác trầm hương không? Đó là những vấn đề rất quan trọng đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng đặt ra tại hội thảo khoa học đánh giá khả năng tạo trầm của cây dó bầu và thị trường tiêu thụ vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 23-10, tại Hà Nội.
Trước nhiều quan điểm khác nhau, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị cho rằng, hiện nay về công nghệ chưng cất tinh dầu từ cây dó trầm cũng như khả năng tạo trầm từ cây dó trầm thì chúng ta không đáng lo ngại nữa. Song điều mà Bộ NN-PTNT lo ngại là thị trường tiêu thụ sẽ ra sao nếu như cả nước đều đổ xô trồng dó trầm?
Cũng chung quan điểm như vậy, TS Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Trầm hương Việt Nam - đưa ra cảnh báo đầu tư cho một cây trầm hương rất tốn kém, phải sau ít nhất 8 - 10 năm mới có thể cho tinh dầu (còn để cho trầm thì phải sau ít nhất 20 năm). Sau một thập kỷ, không phải cây dó nào cũng cho trầm. Còn nếu cho trầm và nông dân lại trồng đại trà thì trầm, tinh dầu sẽ không biết bán cho ai. Nhất là hiện nay, cả nước đã có tới 12.000ha dó trầm và có thể sẽ bung nở ra thành 18.000 hoặc 30.000ha trong vài năm tới. Mặt khác, do giá trị kinh tế cao nên tình trạng chặt trộm cây dó trầm đang diễn ra rất phổ biến, nông dân không thể quản lý được, sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cũng khẳng định, Bộ NN-PTNT không cấm việc người dân trồng cây dó trầm để khai thác trầm nhưng việc khai thác cây dó trầm từ rừng tự nhiên là vi phạm. Tuy nhiên, ngay cả cây dó trầm trồng được, người dân cũng cần phải cân nhắc kỹ. Và để có thể tiến đến việc quy hoạch trồng hay không trồng đại trà, mở rộng thị trường tiêu thụ ra sao thì Bộ NN-PTNT sẽ có một đề án nghiên cứu cụ thể về cây dó trầm trong thời gian tới.
Văn Phúc Hậu