
Sau loạt 10 buổi hòa nhạc bác ái Live 8 kết thúc thành công tại London (Anh), Paris (Pháp), Berlin (Đức), Rome (Ý), Moscow (Nga), Johanesburg (Nam Phi), Philadelphia (Mỹ), Toronto (Canada) và Tokyo (Nhật) vào chiều tối ngày 2-7 qua, với sự góp mặt của hơn 170 nghệ sĩ ca nhạc quốc tế, dư luận thế giới tập trung sự chú ý về thị trấn Gleneagles ở Scotland, nơi mà trong các ngày 6, 7 và 8 diễn ra cuộc họp thượng đỉnh thường niên của nhóm G8.
Áp lực tăng cao
“Xóa đói không chỉ là một hành động bác ái mà còn là một nghĩa vụ công lý”, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã phát biểu như vậy lúc khai mạc show ca nhạc tại Johannesburg hôm 2-7 qua. “Mahatma Gandhi đã giải phóng một lục địa, Martin Luther King đã giải phóng một sắc dân, Nelson Mandela đã giải phóng một đất nước.

G8.
"Chắc chắn họ sẽ phải lắng nghe”, Bob Geldof, nghệ sĩ Ailen tổ chức các buổi hòa nhạc bác ái Live 8 đánh động các nhà lãnh đạo G8 về sự cấp bách phải cứu châu Phi thoát nghèo một cách thiết thực hơn đã nói như thế với đám đông 200.000 người tham dự Live 8 trong công viên Hyde Park tại London.
Và tuy không tham dự Live 8 như đã được mời nhưng vào chủ nhật 3-7 qua, Đức giáo hoàng XVI cũng đã lên tiếng đề nghị G8 ban hành những giải pháp cụ thể hơn trong nỗ lực xóa nghèo ở châu Phi: “Tôi hy vọng rằng tại Gleneagles các nhà lãnh đạo sẽ đạt được những quyết định hữu ích trong việc chia sẻ các chi phí cần thiết trong việc xóa đói giảm nghèo và giúp châu lục này phát triển thực sự và bền vững hơn”.
Trong ngày 2-7 qua đã có hơn 26 triệu tin nhắn SMS được gửi đi từ điện thoại di động để ủng hộ G8, sự kiện ca nhạc đã thu hút hơn 2 tỷ lượt khán giả qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau. Và đã có 200.000 người mặc áo thun trắng in hàng chữ “Hành động toàn cầu chống nghèo khó” tuần hành trong trật tự ngay tại Gleneagles.
Còn Bộ trưởng tài chính Anh Gordon Brown, một chính khách được xem có nhiều khả năng sẽ là thủ tướng Anh trong tương lai không xa đã gọi cuộc chiến chống đói nghèo là “cuộc chiến đạo đức lớn nhất thời đại”.
Chính ông, cùng với Thủ tướng Tony Blair là những nhân vật chính đứng phía sau ủng hộ sự kiện Live 8 vì họ có ý định đưa vấn đề xóa nợ, viện trợ và thực thi thương mại bình đẳng để giúp châu Phi và các nước nghèo khác của thế giới thoát cảnh lầm than triền miên vào chương trình nghị sự của G8 lần này.
Ngoài ra, một sự kiện khác trực tiếp gây thêm áp lực cho G8 là việc 53 nhà lãnh đạo châu Phi (Liên minh châu Phi, AU) nhóm họp tại Syrte, thành phố quê hương của Đại tá Muammar Kaddafi, nhà lãnh đạo tối cao của Lybie cũng đã không quên gửi bản tin quan trọng nhắc nhở các đồng nhiệm giàu có của G8 về sự tối cần thiết phải trợ giúp châu lục đen này như thế nào để vấn đề gai góc xóa nghèo sẽ không còn là chuyện bận tâm của thế giới trong tương lai. Một bản tin khác cũng từ Syrte gửi đến Gleneagles là: G8 hãy giữ lời hứa, hãy thực thi những gì đã hứa.
Tổng thống Nigeria nắm vai trò Chủ tịch AU, ông Olusegun Obasanjo kêu gọi các nước giàu có hãy có giúp đỡ tài chính lớn cho châu Phi thay vì chỉ là lòng thiện cảm trong cuộc chiến chống nghèo khó. Ông cũng nói rằng các nước giàu có nên trả cho châu Phi những món tiền khổng lồ mà các nhà lãnh đạo châu Phi tham nhũng đã gửi ở thế giới phương Tây.
Theo ông số tiền ấy lên đến hàng chục tỷ đôla. Nhưng Tổng thống Kaddafi lại yêu cầu châu Phi nên từ chối những sự giúp đỡ có điều kiện kèm theo của những nước giàu vì chính một số nước này từng là những ông chủ thực dân: “Xin xỏ sẽ không đem đến cho châu Phi một tương lai tốt đẹp mà chỉ tạo ra hố sâu cách biệt lớn hơn”.
G8 hay G18?

Cảnh sát tuần tra ở Gleneagles.
Thế nhưng, theo nhiều quan sát viên quốc tế, Thủ tướng Tony Blair chưa chắc sẽ được hài lòng tại Gleneagles. Không chỉ vì có khác biệt lớn về quan điểm “xóa đói giảm nghèo cho châu Phi theo hình thức nào” giữa ông và Nhà Trắng mà còn vì bản thân G8 đang trải qua giai đoạn khủng hoảng sau 30 năm hình thành.
Đã có vài ý kiến cho rằng nhóm các nước công nghiệp giàu có nhất thế giới này phải mở cửa đón nhận thêm vài thành viên mới, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Một trong những người mạnh dạn phát biểu như thế chính là ông Richard Holbrooke, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Nhưng cho đến nay chưa có nước G8 nào, từ Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Canada, Pháp, Italia và Nga lên tiếng sẵn sàng ngả theo đề xuất này. Vì làm như thế tức sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện vấn đề vị thế địa lý, chính trị và kinh tế của từng nước thành viên cốt lõi.
Đó là chưa kể đến việc sự hiện diện của Nga trong câu lạc bộ này cho đến cách nay vài năm còn ở mức “miễn cưỡng” (G7 + Nga). Thực tế là ngoài Trung Quốc ra (nay đã hơn cả kinh tế Canada) hiện còn có 5 nước khác đang có nền kinh tế hùng mạnh hơn kinh tế Nga. Đó là Australia, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Là nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong số các đồng sự tham dự G8 mà lại đang lãnh đạo Anh, một nền kinh tế phát triển rất tốt trong 10 năm trở lại đây, Thủ tướng Tony Blair xem như là nhân vật sẵn sàng đem nhiều đổi mới đến cho G8.
Bằng chứng là ông, với tư cách nhà lãnh đạo nước chủ nhà, đã mời lãnh đạo của các nước Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nam Phi và Trung Quốc đến Gleneagles bàn luận về các vấn đề cấp bách của thế giới, từ xóa đói giảm nghèo cho châu Phi đến các biện pháp ngăn chặn hiệu ứng nhà kính đang làm cho khí hậu, thời tiết thế giới thay đổi nghiêm trọng.
Theo kết quả nhiều công trình nghiên cứu khác nhau thì vào năm 2050, các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Hai nước thành viên G8 hiện nay, Italia và Nga sẽ không có mặt trong tốp 10 nền kinh tế mạnh nhất địa cầu. Vậy tại Gleneagles, liệu G8 sẽ chấn chỉnh hàng ngũ hay chưa?
“Theo tôi nên mở rộng G8 ra thành câu lạc bộ 18 nước thành viên”, Gary Hufbauer, chuyên gia mậu dịch thế giới ở Viện Kinh tế quốc tế tại Washington nói, “sẽ rất khó mà cứ mãi loại ra ngoài các nền kinh tế đang ngày càng phát triển mạnh hơn kinh tế vài nước thành viên cốt lõi”. Và theo ông, nước ưu tiên được gia nhập G8 phải là Trung Quốc.
Cách nay 30 năm, câu lạc bộ các nước công nghiệp giàu có nhất thế giới chỉ gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật. Sau đó có thêm Canada và Italia và gần đây hơn thì là Nga. Tại sao có Nga mà không thể không có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…? Chính những câu hỏi như vậy đã khiến một chuyên gia kinh tế ở Viện Brookings tại Washington dự báo rằng “Trong nội bộ G8 sẽ sớm xảy ra một cơn bão khổng lồ”.
Khi ra đời cách nay 30 năm, các cuộc họp của nhóm các nước công nghiệp giàu có nhất thế giới không là đề tài khiến nổ ra những cuộc biểu tình và lực lượng an ninh cũng không phải huy động nhiều như bây giờ. Từ sau thượng đỉnh Genoa (Italia) năm 2001 xảy ra biểu tình lớn, G8 đã phải chọn đến những địa điểm hẻo lánh để nhóm họp, không trên núi cao thì ở ngoài đảo xa bờ và nay là ở vùng đồi núi Highlands của Scotland.
Từ chủ nhật 3-7 qua những vị khách cuối cùng đã phải ra khỏi khách sạn sang trọng 269 phòng Gleneagles Hotel (bắt đầu hoạt động từ năm 1924) để nhường chỗ cho các phái đoàn của G8. Bao vây khu vực thị trấn nghỉ mát chỉ có 4.000 cư dân này là 10.000 cảnh sát và binh sĩ, hai lớp hàng rào và cả một vùng trời cấm bay.
Một quan chức an ninh Anh cho biết, ông đã vào cuộc lập kế hoạch phòng chống khủng bố, trấn áp biểu tình từ cách nay 18 tháng. Reuters thì cho biết, chi phí tổ chức thượng đỉnh G8 năm nay tốn khoảng 130 triệu USD.
VIỆT KHÔI (tổng hợp)