Thị trường dược phẩm “tăng nhiệt”

Sẽ còn nhiều đột biến?

Sẽ còn nhiều đột biến?

Chiều 28-2, tại trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh, Hà Nội nhộn nhịp người mua bán. Giá bán các loại tân dược nội, ngoại đều tăng từ 5% đến 50% bất chấp các biện pháp chế tài của Bộ Y tế cũng như cam kết không tăng giá của gần 70% doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thuốc hồi đầu năm 2005.

  • Hà Nội giá tăng đến 50% (?!)

Khảo sát của phóng viên báo SGGP trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm 2005 đến nay, hàng loạt các mặt hàng thuốc nội sản xuất đều có mức độ tăng từ 300 – 2.000 đồng/vỉ. Ví dụ như Bedouza 1.000mg tăng từ 56.000 đồng/hộp lên 60.000 đồng/hộp (tăng 7%); Aspartam 35mg từ 13.000 đồng/hộp lên 14.000 đồng/hộp (8%); Calci D tăng từ 11.000 đồng/hộp lên 12.000 đồng/hộp (9%); Pectol E sirô tăng từ 5.000 đồng/chai lên 5.600 đồng/hộp (bằng 12%).

Sẽ còn nhiều đột biến? ảnh 1

Giá thuốc lại biến động, chỉ có người bệnh là chịu thiệt.

Cá biệt có loại thuốc tăng hơn 30% như Opizoic lọ 500 viên (thuốc đi ngoài) của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây, tăng từ 760.000 đồng lên tới 900.000 đồng.

Các chủ cửa hàng thuốc tại Ngọc Khánh (Quận Ba Đình) và một số quận khác của Hà Nội cho biết, thuốc nội tăng giá chủ yếu là để “đón đầu” quy định tăng giá thuốc của Bộ Y tế trong năm nay. Ngoài ra, một số công ty dược phẩm gia nhập hệ thống GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) cũng đẩy chi phí sản xuất thuốc lên cao.

Giá thuốc tăng cao cũng do nhiều yếu tố như thay đổi mẫu mã sản phẩm (từ hộp, lọ sang vỉ), giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhiều loại thuốc được đăng ký lại với công thức mới, tên mới nên doanh nghiệp được chủ động định giá…

Về các sản phẩm thuốc ngoại, tình trạng khan hiếm hàng đã tạo điều kiện cho gần 700 công ty nhập khẩu ủy thác thuốc tân dược (ở Hà Nội và TPHCM) tự động tăng giá khi chưa có phép của Bộ Y tế cũng như thông báo tăng giá chính thức của hãng sản xuất thuốc.

Mức tăng giá thuốc ngoại từ 5% đến 50% và tập trung vào các biệt dược kháng sinh điều trị bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch. Cụ thể, như các loại thuốc do hãng Servi (có trụ sở tại Malaysia) phân phối đều tự động tăng giá do tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường; các thuốc nhập khẩu từ Pháp cũng tăng đáng kể.

Hiện tại, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã nhận được báo cáo của hơn 60 công ty dược trong nước đề nghị tăng giá thuốc từ 10% - 15%, tập trung chủ yếu vào nhóm các loại thuốc kháng sinh với lý do nguyên liệu tăng và có đầu tư cải tiến mẫu mã.

Ngoài ra, đã có 7 công ty dược nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đề nghị tăng giá thuốc, mức tăng từ 2% đến 15%, cá biệt một số mặt hàng đề nghị tăng 30% đến 60%. Mặc dù không tiết lộ tên các doanh nghiệp đề nghị tăng giá thuốc, theo một quan chức thuộc Bộ Y tế, chỉ có khoảng 40 công ty có giải trình hợp lý về nguyên nhân tăng giá. Cho đến thời điểm này, các đề nghị đó chưa được Bộ Y tế thẩm định và chấp nhận.

  • Giá thuốc vượt khỏi tầm kiểm soát
Sẽ còn nhiều đột biến? ảnh 2

Thuốc lại tăng giá. Người bệnh lại thêm lo.

Tại TPHCM, ngày 28-2, rảo một vòng quanh các cửa hàng nằm trong Trung tâm Bán sỉ Dược phẩm quận 10 (trên đường Lý Thường Kiệt), giá dược phẩm nhìn chung lại ít biến động. Chị Đ. nhân viên Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Khang, cho biết, tại cửa hàng chị trên 60 mặt hàng thuốc ngoại đều không tăng giá.

Tuy nhiên, một vài cửa hàng thuốc ngoại gần đó có tăng giá thuốc. Cụ thể, một số mặt hàng như Phosphalugen (trị bao tử) loại hộp 24 viên trước đó bán 72.500 đồng/hộp thì nay là 76.600 đồng/hộp, tăng 5,65%; Tilcotil loại 20mg/hộp 30 viên giá cũ 205.000 đồng nay bán 224.400 đồng - tăng 9,46%; một vài loại giảm đau kháng viêm cũng tăng giá với mức từ 10% đến 14%.

Tại Trung tâm bán sỉ ở khu vực chợ Tân Định quận 1, chúng tôi ghi nhận thêm một vài loại thuốc ngoại tăng với mức từ 7% - 12%. Theo lời giải thích của những người bán hàng tại đây, họ “buôn có bạn bán có phường” nên công ty cung ứng tăng giá bao nhiêu và thì họ phải tăng bấy nhiêu và không ai có thể tự ý “làm giá” vì có thể mất mối ngay!

Tại cửa hàng số 54 của Công ty Cổ phần Dược phẩm quận 10, nơi kinh doanh trên 100 mặt hàng thuốc nội, nhân viên bán hàng cho biết tỷ trọng thuốc nội tăng giá cũng thấp – chiếm khoảng 9% mặt hàng. Nhân viên này còn giải thích mang tiếng là tăng giá 3% đến 5% nhưng giá trị thuốc nội vốn dĩ thấp nên giá trị tăng chẳng đáng là bao, thường khoảng một vài ngàn đồng!

Trao đổi với chúng tôi, DS Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Y tế II, tỏ ra bức xúc: trong số 200 mặt hàng, chúng tôi chỉ điều chỉnh tăng giá 4 mặt hàng do thuế nhập khẩu tăng, là Phosphalugel, Apranax, Ticitil viên và Ticolil loại chích.

Mang tiếng là điều chỉnh giá nhưng giá vẫn còn thấp hơn mức tăng của thuế: Apranax tăng từ 0% lên 15% nhưng giá bán chỉ tăng 14,06%, Tilecotil hộp 30 viên thuế nhập khẩu từ 0% tăng lên 10% nhưng giá điều chỉnh chỉ tăng 9,46%. Phosphalugel thuế nhập khẩu tăng 10% nhưng do mặt hàng có nhu cầu cao nên công ty chỉ dám tăng 5,65%. Chỉ riêng mặt hàng này, trong tháng 1-2005, công ty đã lỗ 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Hùng thì cần phải xem xét cụ thể vấn đề tăng giá. Loại trừ những trường hợp lợi dụng cơ hội để tăng giá, ém hàng để tăng giá… thì cũng cần phải tính đến những lý do chính đáng: giá tăng do chi phí đầu vào tăng. Một số nhà quản lý cũng tỏ rõ quan điểm của mình khi cho rằng, mặc dầu là loại hàng hóa đặc biệt nhưng dược phẩm cũng không thể thoát khỏi quy luật kinh tế.

Vấn đề quản lý giá cả dược phẩm được đặt ra gần 2 năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có những giải pháp tối ưu. Nhiều chuyên gia quản lý kinh tế cho rằng, những biện pháp can thiệp hiện thời chỉ mang tính hành chính vừa không đảm bảo tính bình ổn bền vững và nếu ở một góc độ nào đó thì còn ảnh hưởng lớn đến thị trường cung cầu. Và như vậy vấn đề giá cả dược phẩm vẫn có thể trở thành vấn đề nóng bất cứ lúc nào! 

BẢO TRÂM - HỒNG LAM

Tin liên quan:

Cấp bách ổn định giá thuốc

Tin cùng chuyên mục