Sẽ còn sốc với 3G?

Sau cú sốc tăng giá 3G vào giữa tháng 10-2013, người dùng di động Việt Nam đang phấp phỏng chờ đón một tin chẳng lấy gì làm vui: Phải trả tiền mới được dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT). Dù chỉ mới là những tin đồn râm ran về việc muốn sử dụng OTT, người dùng phải trả thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng nhưng khiến không ít người dùng 3G tiếp tục phải suy nghĩ và nếu điều này thành hiện thực sẽ có nhiều “cái chết” tiếp theo.

Sau cú sốc tăng giá 3G vào giữa tháng 10-2013, người dùng di động Việt Nam đang phấp phỏng chờ đón một tin chẳng lấy gì làm vui: Phải trả tiền mới được dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT). Dù chỉ mới là những tin đồn râm ran về việc muốn sử dụng OTT, người dùng phải trả thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng nhưng khiến không ít người dùng 3G tiếp tục phải suy nghĩ và nếu điều này thành hiện thực sẽ có nhiều “cái chết” tiếp theo.

Không cần nêu nhiều ý kiến của người dùng sau khi các nhà mạng tăng cước 3G nhưng chất lượng 3G kém hẳn đi vì ai cũng thấy được điều đó. Điều cần nói, thời gian qua OTT đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone nên họ có những quyết sách, trong đó tăng cước 3G là một nguyên nhân mà ít nhà mạng nào dám thẳng thắn thừa nhận. Không khó để chứng minh sự bùng phát của OTT và đây gần như là đòn chí mạng vào các giá trị gia tăng trên 3G của các nhà mạng, nhất là khi các nhà mạng nói trên đang loay hoay tìm kiếm những ứng dụng giá trị gia tăng của riêng họ mà không mấy thành công...

Tuy nhiên, không thành công ở ứng dụng dịch vụ gia tăng chưa phải là chấm hết. Tính toán chỉ với một gói cước cho thấy, khoảng 19 triệu thuê bao di động có phát sinh cước 3G (đến tháng 9-2013), chỉ cần khoảng 50% thuê bao sử dụng các gói cước 70.000 đồng/tháng (trước đây 50.000 đồng/tháng) thì mỗi tháng các nhà mạng đã bỏ túi thêm khoảng 190 tỷ đồng, mỗi năm có thêm 2.280 tỷ đồng… Người dùng cho rằng tăng cước 3G nhưng chất lượng kém hẳn đi trong khi nhà mạng nói không kém. Việc này cần có một trọng tài độc lập phân định chứ không thể nói qua nói lại mà kinh nghiệm cho thấy, có nói cũng… thế thôi.

Người lớn thường chơi đẹp nhưng trong chuyện này không hẳn vậy. Đẹp gì khi OTT như Viber trễ cả vài giờ khi gửi tin nhắn cho nhau bằng băng thông 3G và không ít các nhà phát triển OTT khác ôm hận khi dịch vụ của họ bị bóp nghẹt, giảm chất lượng… Nên nhớ rằng, những đơn vị làm OTT là những người chuyên làm ứng dụng, kỹ thuật cũng như công nghệ của họ “chuyên” chứ không phải đa dịch vụ nên chứng minh điều đó không phải là vấn đề quá lớn. Người lớn cần chơi đẹp, khi người lớn nhiều lần chơi không đẹp thì ít nhất cũng có một lần những người “nhỏ” OTT bung hết cho bàn dân thiên hạ xem thực hư.

Và câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết. Kết quả của “trận đấu” tăng cước 3G đã thành công, một phần vì công tác chuẩn bị đã quá kỹ càng và phần khác là lực trong chân quá mạnh. Cũng nhớ lại, trước khi có quyết định tăng cước 3G đã có nhiều tin đồn râm ran và nay đã thành hiện thực, nhưng bây giờ xung quanh câu chuyện gói cước OTT mới thực sự gây sốc. Người dùng muốn xài OTT nào thì sẽ có gói cước do nhà mạng cung cấp tương ứng với dịch vụ đó chứ không còn chuyện thoải mái một gói cước 3G dùng được nhiều ứng dụng OTT.

Nếu như vậy, rất nhiều người dùng sẽ gỡ bỏ ứng dụng OTT trên smartphone. Khi đó, Viber, Line, Zalo hay Kakao Talk sẽ “nếm mùi” thực sự và sự thật càng cay đắng hơn khi OTT “dính đòn” không phải vì chất lượng ứng dụng mà vì… gói cước.

KIM THANH

Tin cùng chuyên mục