Sẽ đến một ngày mai hát ca…

"Ngày mai hát ca" hay "ngày mai ca hát" bây giờ đã là một thành ngữ, một biểu thức được khá nhiều người dùng, dù không phải ai cũng hiểu rõ nghĩa cũng như xuất xứ của nó.

1. Tháng 8-1951, trong bài Hòa bình, nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Tay ta đắp, ta làm/ Những ngày mai ca hát./ Đứng tiền đồn châu Á,/ Triều Tiên với Việt Nam/ Dưới một trời khói lửa/ Tiếng bồ câu bay hứa Hòa bình”. 7 năm sau, trong bài thơ Trước Krem-lin (in trong tập Gió lộng), ra đời vào tháng 1-1958, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi Việt Nam Tổ quốc chúng ta!/ Dưới gươm súng/ Bao nhiêu đầu đã rụng/ Bao nhiêu ngực đã thủng/ Cho tự do. Cho mỗi chúng ta./ Cho loài người. Cho ngày mai hát ca!...”.

Hay trong bài hát Thành phố mười mùa hoa (nhạc của Phạm Tuyên, lời thơ của Lệ Bình), có những câu: “Thành phố mười mùa hoa, sáng mười mùa xây dựng. Vẫn kiên cường dáng đứng, cho ngày mai hát ca...”.

Còn trong bài Khi ta có mặt trời chân lý (nhạc của Phạm Tuyên, phỏng thơ Tố Hữu), thành ngữ này cũng được nhắc đến: “Nghe âm vang đường phố tiếng quê hương chào mừng ngày mới. Nghe khúc hát yêu thương trìu mến hòa nhịp sống vui tươi. Ánh sáng cách mạng đến xua tan bóng đêm nhọc nhằn. Độc lập tự do nay đã về cùng toàn dân. Ôi thiêng liêng lời Bác tiếng nước non ngàn đời thiết tha. Các thế hệ hy sinh ngã xuống cho dân tộc chúng ta. Lửa đêm là đau thương về những ngày mai hát ca…”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết bài thơ Bản giao hưởng một ngày đang tới đã nhiều lần nhắc đến ý “ngày mai hát ca”: "Tôi nghe từ trong lửa đỏ hôm nay/ Đang trỗi dậy những ngày mai ca hát/ Tôi sẽ đến với bạn bè trong đêm hòa nhạc/ Tâm hồn tôi thành giọt nước trong ngần/ Giữa quê hương tràn ngập biển thanh âm/ Dào dạt vỗ cuộc đời tìm thấy lại/ Bản giao hưởng của một ngày đang tới.../ Những ngày mai cất tiếng hát trong tôi/ Trên đất nóng của chiến hào đánh Mỹ/ Là sức mạnh bàn tay tôi hôm nay cầm vũ khí...".

2. “Ngày mai hát ca” (hay “ngày mai ca hát”) chính là ý được Paul Vaillant Couturier (1892-1937) viết trong bài hát Những ngày mai hát ca (Les Lendemains qui chantent) vào năm 1937. Couturier là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động phong trào cộng sản Pháp và quốc tế, là chiến sĩ chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Sinh ở Paris (Pháp) trong một gia đình nghệ sĩ, các hoạt động đầu tiên của ông liên quan đến lĩnh vực văn học và nghệ thuật.

Điều thú vị là Paul Vaillant Couturier có liên hệ gần gũi với cách mạng Việt Nam thông qua sự hợp tác mật thiết với Nguyễn Ái Quốc. Đồng cảm sâu sắc với chàng trai giàu nhiệt huyết đến từ một thuộc địa của Pháp, Couturier đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng Xã hội Pháp. Tại Đại hội Tours, cả hai đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, trở thành những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nhiều người hay nhắc đến câu “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” và thường ít nhắc đến xuất xứ, tên tác giả. Đó là câu dịch thoát ý từ câu “le communisme est la jeunesse du monde" (chủ nghĩa cộng sản là tuổi trẻ/tương lai của thế giới). Câu này được nhắc đến trong cuốn Les lendemains qui chantent, của Gabriel Péri, cựu nghị sĩ cộng sản bị phát xít Đức sát hại năm 1941.

Trong tự truyện này (xuất bản năm 1947), có bức thư từ biệt nổi tiếng, được viết vào đêm trước khi Péri bị hành quyết, có câu: “Tôi vẫn nghĩ rằng, (đêm đó) người bạn thân yêu của tôi, Paul Vaillant Couturier, đã đúng khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là mùa xuân của thế giới và chính nó sẽ chuẩn bị cho những ngày mai hát ca. Lát nữa thôi tôi sẽ chuẩn bị cho những ngày mai hát ca đó”. Vì thế “ngày mai hát ca” trở thành tiêu đề của bức thư đó.

Trong hồi ký về những năm chiến tranh (xuất bản năm 1949), tướng De Gaulle cũng nhắc lại biểu thức này. Từ đó, “ngày mai ca hát” trở thành một thành ngữ chỉ về một ngày mai tốt đẹp, xán lạn hơn của nhân loại! Đó chính là chế độ cộng sản chủ nghĩa mà Marx và Engels đã nêu trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản từ năm 1848, về một thế giới không còn ranh giới quốc gia, không có chiến tranh, không còn bóc lột, người với người sống chan hòa, bình đẳng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu… Ngày mai đó sẽ đến, còn nhanh hay chậm là do sự tranh đấu và nỗ lực của tất cả chúng ta trong giai đoạn hiện nay!

Ngày mai đó thực ra là mơ ước của nhân loại từ trước khi chủ nghĩa Marx ra đời. Từ thế kỷ XVI, Thomas More (1478-1535) đã vẽ nên một cộng đồng, một xã hội gần như lý tưởng, hoàn hảo về mọi mặt, trong tác phẩm nổi tiếng Utopia, viết năm 1516. Utopia là một hòn đảo giả định trên Đại Tây Dương, nơi mà con người liên kết với thiên nhiên, tạo nên một xã hội bình đẳng, thân ái, không có tư hữu, không có giàu nghèo, tất cả cùng lao động và cùng hưởng hạnh phúc…

Sau này, những Saint Simon (1760-1825), Robert Owen (1771-1858), Charles Fourier (1772-1837), Jean Baptiste Goden (1817-1888)… tiếp tục ý tưởng đó, tạo nên trường phái của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Còn với Marx và Engels cùng với những người kế thừa sự nghiệp của hai ông, học thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết khoa học và cách mạng, dựa trên các nghiên cứu vừa lý thuyết vừa thực tiễn theo phương pháp biện chứng và duy vật lịch sử...

Tin cùng chuyên mục