Sau 3 năm triển khai, bộ tiêu chí xây dựng và công nhận nông thôn mới (NTM) đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý, gây lúng túng cho nhiều địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, sẽ đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM sửa đổi lại các tiêu chí cho phù hợp.
* PV: Thưa ông, hiện nay có nơi đang hồ hởi thực hiện phong trào xây dựng NTM nhưng nhiều nơi khác lại loay hoay vì tiêu chí đặt ra quá khó…
* Ông TĂNG MINH LỘC: Để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng NTM, Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí NTM gồm 19 tiêu chí, được chia thành năm nhóm cụ thể, như nhóm tiêu chí về quy hoạch, nhóm về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhóm về kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm về văn hóa - xã hội - môi trường và nhóm về hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thí điểm tại 11 xã điểm do Ban Bí thư chọn và hơn một năm triển khai trên diện rộng trong cả nước, các địa phương đều cho rằng có những tiêu chí chưa phù hợp, khó thực hiện.
Sau khi xem xét, có 7 tiêu chí không phù hợp và theo chúng tôi cần phải sửa đổi, gồm các tiêu chí về: thu nhập, cơ cấu lao động, nhà ở dân cư, hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn, môi trường và hợp tác xã tự quản. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi vùng miền, địa phương khác nhau nên mức độ chỉnh sửa có thể khác nhau.
Chẳng hạn như về tiêu chí thu nhập, theo quy định xã NTM phải đảm bảo cho người dân có mức thu nhập bình quân gấp 1,3-1,5 lần so với các xã xung quanh. Hiện nay, nhiều người cho rằng quy định như vậy chung chung, rất khó làm. Thêm nữa, trong cả nước có rất nhiều mức thu nhập khác nhau và mức quy định như vậy sẽ không có ý nghĩa nữa khi tất cả các xã trong cả nước đều xây dựng NTM.
Đây là quy định mang tính máy móc, không giống như thông lệ chung khi tính thu nhập của các nước. Ở các nước thường chọn mức thu nhập bình quân một cách chính xác, chẳng hạn như bao nhiêu đô la Mỹ trên một đầu người. Cho nên chúng tôi cũng sẽ đề nghị chọn một con số cụ thể để quy định về tiêu chí thu nhập, chẳng hạn hiện nay đang đề xuất từ 800-1.000 USD/người mới được công nhận đạt một trong các tiêu chí NTM.
* Ở nhiều nơi, nhờ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mà nông dân đã thực sự làm giàu từ chính đồng ruộng của mình. Trong khi tiêu chí của một xã NTM là phải giảm bớt tối đa tỷ lệ lao động nông nghiệp để chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ, có phải là trái ngược không?
* Đây cũng chính là bất cập cần phải sửa đổi. Theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia, xã NTM chỉ có khoảng 30-35% lao động làm nông nghiệp thôi, còn lại phải chuyển sang làm cái khác. Tỷ lệ trên, nếu tính trong cả tỉnh hoặc cả nước thì rất ý nghĩa, nhưng chỉ tính trong một xã lại không còn hợp lý. Chẳng hạn như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hoàn toàn làm nông nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới 70-80%. Thậm chí đến mùa thu hoạch, bà con còn phải thuê thêm lao động ở nơi khác về. Và thu nhập từ nông nghiệp cũng rất cao: 29-30 triệu đồng/người.
Như vậy không thể nói do tỷ lệ lao động nông nghiệp quá cao nên họ không đạt tiêu chí về NTM. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ đề xuất chỉnh sửa lại tiêu chí về cơ cấu lao động trong nông nghiệp cho phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Còn lại 5 tiêu chí, chúng tôi cho rằng do các bộ hướng dẫn chưa hợp lý, nên người dân và chính quyền các địa phương hiểu sai. Chẳng hạn tiêu chí về chợ, trong bộ tiêu chí khẳng định xã NTM phải có chợ theo quy hoạch. Nhưng trên thực tế một huyện có 20 xã nhưng chỉ khoảng 10 xã là có chợ.
Vì xây dựng một cái chợ không dễ dàng, không phải cứ muốn là được mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như địa thế, tâm lý, tập quán mua bán của người dân. Do hướng dẫn còn chưa rõ nên người dân hiểu sai khi cho rằng cứ phải có chợ mới được công nhận là NTM. Do đó, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn lại.
Tương tự tiêu chí về thủy lợi, Bộ NN-PTNT cũng hướng dẫn chưa cụ thể. Chẳng hạn như ở ĐBSCL không cần kiên cố hóa kênh mương mà chỉ cần đầu tư các trạm bơm, cống hóa. Ở ĐBSCL mà tất cả đường giao thông nội đồng đều bê tông hóa cả thì không hợp lý.
Chúng ta có rất nhiều vùng kinh tế văn hóa, nhiều dân tộc khác nhau, trong khi chỉ có thể đưa ra bộ tiêu chí chung của cả nước. Các địa phương nên căn cứ vào đó để đưa ra các tiêu chí cho phù hợp.
* Khi nào các tiêu chí được sửa đổi để các địa phương căn cứ triển khai thưa ông?
* Sau khi tổng kết xong mô hình NTM ở 11 xã điểm vào ngày 31-12 sắp tới và qua khảo sát, đánh giá của các địa phương trong cả nước về phong trào trên diện rộng thì các tiêu chí chưa phù hợp sẽ được đề nghị lên Ban chỉ đạo xem xét sửa đổi lại cho phù hợp. Ngoài ra, vì chương trình xây dựng NTM là một mục tiêu lâu dài nên trong quá trình triển khai, sẽ tiếp tục có những đánh giá, sửa đổi các tiêu chí để tạo thuận lợi cho các địa phương.
VĂN PHÚC HẬU