(SGGPO).- Do quản lý chưa rốt ráo nên một số triển lãm văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trong nước và quốc tế, mặc dù được đầu tư kinh phí lớn nhưng đã không phát huy tác dụng như mong muốn. Thậm chí, một số triển lãm còn gây ra tác động tiêu cực trong xã hội. Với mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa hoạt động này vào nề nếp, song vẫn khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, ngày 28-6, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đã tổ chức hội thảo “Nghị định về hoạt động triển lãm”.
Một hoạt động triển lãm tại Hà Nội. Ảnh: Mai An
Triển lãm là một trong những hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và đang có chiều hướng phát triển, gia tăng cả về số lượng lẫn loại hình, nội dung triển lãm thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Khả năng tuyên truyền, phổ biến, quảng bá những nội dung trong triển lãm cũng ngày càng cao trong bối cảnh phương tiện truyền thông kỹ thuật số, song bên cạnh đó, hoạt động này do quản lý chưa tốt cũng đã dẫn tới nhiều phản ứng tiêu cực.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, hiện nay tham gia hoạt động triển lãm không chỉ có các bộ ngành mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.Trong quá trình hội nhập quốc tế, song song với sự gia tăng các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, quảng bá hình ảnh Việt Nam thì cũng xuất hiện không ít cuộc triển lãm chất lượng thấp, không đạt yêu cầu. Có những triển lãm nội dung phản cảm gây bức xúc trong xã hội. “Lâu nay những quy định về quản lý hoạt động triển lãm mới chỉ dừng ở phạm vi các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh chứ chưa bao quát được toàn bộ với rất nhiều hoạt động, loại hình triển lãm khác. Nếu không bổ sung, ban hành những văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý sẽ vô vàn khó khăn…”, họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên thừa nhận, những năm gần đây, việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa thúc đẩy các triển lãm từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó không ít cuộc triển lãm lớn mang danh nghĩa quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những triển lãm được tổ chức tốt, không ít triển lãm loại này chưa thực sự đạt yêu cầu, thậm chí có triển lãm bị dư luận đánh giá thấp. Ông Biên nêu dẫn chứng về những triển lãm lớn có quy mô toàn quốc, mặc dù các cơ quan quản lý đầu tư về tài chính, nhưng chỉ sau một đêm khai mạc điểm trưng bày đã lâm vào tình trạng vắng khách. Không chỉ công chúng không quan tâm tới triển lãm mà ngay cả giới truyền thông cũng không mặn mà với hoạt động này dù nó ở quy mô lớn, hay giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi. Vì thế, theo ông Biên, những người làm quản lý, các nghệ sĩ cũng cần phải cùng nhau giải đáp câu hỏi “tại sao lại xảy ta tình trạng như vậy?”. Phải chăng đã đến lúc hoạt động triển lãm cần thoát ra khỏi khuôn khổ trưng bày giữa bốn bức tường, phải mở rộng biên độ của sự sáng tạo, bám sát hơn nữa vào cuộc sống.
Đồng tình với quan điểm này ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL cho rằng, trong xu thế triển lãm văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao ngày một tăng về số lượng, bên cạnh việc xây dựng nghị định để quản lý thì cũng cần phải thông thoáng trong các điều khoản, tránh những nội dung trùng lặp, rườm rà, gây khó khăn về mặt thủ tục cho nghệ sĩ.
Mổ xẻ những quy định về hoạt động triển lãm, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế cho hay, mỗi năm địa phương này tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trong đó có nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế, tất cả đều do UBND tỉnh cấp phép theo quy định chung. Nghị định quản lý mỹ thuật mới được xây dựng này cũng cần phân định rõ triển lãm nào được cấp phép ở phạm vi quốc gia, cấp tỉnh để tiện cho việc xin phép. Bên cạnh đó, các loại hình như nghệ thuật sắp đặt, video art của các đoàn quốc tế biểu diễn trong các kỳ festival sẽ được xếp vào loại hình nghệ thuật nào, nghệ thuật biểu diễn hay triển lãm?
Hội nghị diễn ra một buổi sáng với nhiều ý kiến đóng góp từ đại biểu đại diện cho các địa phương, song ban soạn thảo nghị định này vẫn tỏ ra vô cùng lúng túng và bối rối bởi sự phong phú và đa dạng của hoạt động này. Theo đó, dự thảo nghị định sẽ tiếp tục được sửa đổi và bổ sung để vừa điều chỉnh hoạt động triển lãm đồng thời vẫn góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nhưng hành vi phản cảm, làm lành mạnh môi trường văn hóa.
MAI AN