Phản hồi bài Doanh nghiệp nhập khẩu “than trời” vì thủ tục
Sau khi Báo SGGP đăng tải bài Doanh nghiệp nhập khẩu “than trời” vì thủ tục, phản ánh cơ quan chức năng quản lý chứng nhận hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) về Việt Nam đang gây phiền hà và chậm trễ, gây thiệt hại lớn tới sản xuất kinh doanh, ngày 27-5, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
- PV: Thưa ông, Cục Chăn nuôi có phản hồi như thế nào về phản ánh của doanh nghiệp?
>> Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG: Cần phải nói rằng, TACN là sản phẩm thuộc nhóm 2, có khả năng gây mất an toàn, phải được quản lý, kiểm tra, xác nhận chất lượng trước khi thông quan vào Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dùng. Vì vậy, việc bắt buộc kiểm tra là phù hợp. Trên thực tế, cơ bản chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để giảm thiểu thời gian kiểm tra và các chỉ tiêu cần kiểm tra cho doanh nghiệp, thể hiện tại Thông tư 50 mới có hiệu lực chưa đầy 2 tháng. Theo Thông tư 50, nếu như doanh nghiệp nào qua 3 lần (lô hàng) kiểm tra mà đạt chất lượng thì sẽ được chuyển sang kiểm tra nhẹ (không cần phân tích mẫu, chỉ cần bằng cảm quan). Nếu 5 lần liên tục không vi phạm, hàng hóa được nhập từ cùng một nguồn uy tín, đảm bảo an toàn thì miễn luôn cả 6 tháng không phải kiểm tra.
Tuy nhiên vừa rồi một số doanh nghiệp phản ánh thời gian làm thủ tục lâu, đó chỉ là sự cá biệt. Hàng ngày có khoảng 40 - 50 hồ sơ thuộc diện chưa có quy chuẩn kỹ thuật cần phải gửi về Cục Chăn nuôi để xin đăng ký xác nhận kiểm tra chất lượng. Thông thường chúng tôi chỉ xử lý trong vòng 1 - 3 ngày là xong, doanh nghiệp có thể cầm hồ sơ xuống các tổ chức kiểm định nơi hàng nhập về để phân tích, nhưng cá biệt có những lô vì thiếu thủ tục hoặc có sự cố như ngày nghỉ, lễ tết hoặc cán bộ phụ trách không thể có mặt do bất khả dĩ... thì mới bị lâu, nhưng cũng rất hy hữu. Như trường hợp doanh nghiệp được Báo SGGP phản ánh là do hồ sơ của họ có 4 tờ. Khi họ trình tôi ký, vì quá nhiều và tôi ký thiếu mất một tờ, sau đó tôi đi công tác rồi thì không ai ký lại được nữa, nhưng sáng thứ 7 chúng tôi vẫn làm việc để ký lại cho họ. Bên cạnh đó, phần lớn hiện nay khi hàng rời cảng của nước xuất khẩu, doanh nghiệp đã trình hồ sơ để chúng tôi xem xét, xác định chỉ tiêu phân tích và sau đó chỉ việc chờ hàng về cảng.
- Cùng một lô hàng nhập về nhưng có thực trạng doanh nghiệp đang phải chịu sự kiểm tra của cả Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chăn nuôi. Doanh nghiệp đề nghị hợp nhất việc kiểm tra và làm hồ sơ để giảm thủ tục phiền hà được không?
Về mặt chức năng quản lý thì không thể sáp nhập được vì Cục Bảo vệ thực vật chỉ kiểm tra về mặt dịch hại vào Việt Nam, còn Cục Chăn nuôi chúng tôi kiểm tra chất lượng lô hàng. Các chỉ tiêu chất lượng có rất nhiều, do đó không thể gộp làm một được. Nhưng trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn phối hợp với nhau để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
- Tại sao việc thẩm tra hồ sơ thủ tục một số mặt hàng không giao cho các tổ chức kiểm định tại các cảng hoặc khu vực như thường lệ mà bắt buộc các doanh nghiệp phải làm hồ sơ tại Cục Chăn nuôi ở Hà Nội?
Bởi vì trong danh mục các loại TACN được phép nhập vào Việt Nam, có sản phẩm, chỉ tiêu đã có hồ sơ quy chuẩn kỹ thuật và có sản phẩm chưa xây dựng được hồ sơ quy chuẩn kỹ thuật. Đối với những sản phẩm lô hàng đã có quy chuẩn thì doanh nghiệp chỉ cần đưa hồ sơ tới các tổ chức kiểm định để lấy mẫu, phân tích kiểm tra chất lượng để thông quan, không cần phải lên Cục Chăn nuôi.
Chỉ những hồ sơ mà sản phẩm nhập chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải gửi hồ sơ về Cục Chăn nuôi để được xác định cần phân tích chỉ tiêu nào có nguy cơ cao về mất an toàn hoặc không đảm bảo chất lượng.
- Doanh nghiệp vẫn có những nỗi niềm và bức xúc về thủ tục khi nhập khẩu, ngành sẽ làm gì để thực hiện triệt để việc cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp?
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, từ nay đến cuối năm 2015, phải giảm 50% thời gian kiểm tra các lô hàng TACN nhập khẩu, đồng thời, từ ngày 30-6 sắp tới, Cục Chăn nuôi sẽ tổ chức mô hình hải quan điện tử đối với TACN nhập khẩu. Các doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ qua mạng thay vì phải đến trực tiếp như hiện nay. Cục Chăn nuôi là cơ quan xin làm thí điểm đầu tiên của Bộ NN-PTNT cho tất cả các đơn vị trong cả nước. Chúng tôi cũng đang tính tới giải pháp lựa chọn và làm việc với một số nước xuất khẩu TACN để chỉ định và công nhận các phòng phân tích kiểm định chất lượng của họ nếu các hệ thống quản lý chất lượng tương đồng với quy định của Việt Nam về TACN. Theo đó, nếu doanh nghiệp đã có phiếu phân tích của các tổ chức kiểm định của nước xuất khẩu thì khi hàng về Việt Nam, sẽ không cần phải lấy mẫu nữa.
PHÚC HẬU