Sẽ hỗ trợ thêm vốn cho doanh nghiệp bình ổn

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP 4 tháng đầu năm đạt 965.000 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối năm 2013. Mặc dù còn chậm so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đạt từ 12% - 14% trong năm 2014, nhưng tín dụng trên địa bàn TP tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Tính riêng 5 nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên có lãi suất cho vay dưới 8%/năm chiếm gần 6% tổng dư nợ, tăng gần 7% so với cuối năm 2013, đạt hơn 135.000 tỷ đồng. Kết quả cũng nhờ các Chương trình tín dụng của TP như: cho vay các dự án kích cầu, cho vay DN trong các KCN-KCX, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay bình ổn thị trường…

Đang tiến hành giải ngân 28 hợp đồng
 
Chương trình bình ổn thị trường trong năm 2014 tiếp tục nhận được sự tham gia của đông đảo các DN và ngân hàng. Trong đó, có đến 8 NHTM trên địa bàn TP tham gia và số lượng DN đăng ký vay tại chương trình này tăng từ 3 - 4 lần so với năm 2013. Tổng số vốn của chương trình trong năm cũng được các ngân hàng cam kết cho vay tăng hơn 4 lần so với năm trước với khoảng 8.300 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, hiện 8 ngân hàng vẫn đang tiến hành giải ngân 28 hợp đồng đã ký với các DN bình ổn các mặt hàng lương thực thực phẩm, giáo dục, sữa… Tiến độ giải ngân được các ngân hàng triển khai nhưng thông thường tốc độ giải ngân thường được đẩy mạnh trong 2 quý cuối năm, trong mùa khai trường và tết.
 
Liên quan đến một số DN phản ánh một số ngân hàng khi cho vay đã tăng LS lên từ 0,5% - 1% so với cam kết, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, cơ quan này vẫn chưa nhận được bất cứ phản ánh nào từ các DN cũng như Sở Công thương TP. Tuy nhiên, trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Sở Công thương TP và các cơ quan liên quan có đợt kiểm tra. “Nếu ngân hàng nào không cho vay theo đúng cam kết với các khoản vay ngắn hạn tối đa 6%/năm, trung và dài hạn tối đa 10%/năm chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý” - ông Minh cho biết.

Thực tế cho thấy, Chương trình bình ổn thị trường ở TPHCM ngày càng phát huy hiệu quả và tác động tích cực đối với ổn định kinh tế TP. Cụ thể, giá cả hàng hóa được kiểm soát tốt, không có trường hợp khan hiếm, biến động giá, giá cả rất ổn định. Mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu ngày càng được mở rộng, giúp người dân tiếp cận được các thương hiệu, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Chính vì thế, ngày càng nhiều DN muốn tham gia vào chương trình này.

Trong năm 2014, đã có 76 DN đăng ký tham gia. Mặc dù số lượng vốn cam kết của chương trình này đã tăng gấp 4 lần so với năm 2013 nhưng nhu cầu của các DN hiện vẫn còn rất lớn và muốn vay với hạn mức cao hơn nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện các DN tham gia chương trình này chỉ được vay vốn dựa trên mức vốn của Sở Tài chính phê duyệt, tương đương với sự cung ứng trên thị trường. “Mặc dù nguồn vốn vay từ ngành ngân hàng nhưng ngân hàng chỉ cung ứng vốn theo nhu cầu vốn mà Sở Tài chính đưa ra. Nếu DN có nhu cầu thì báo cáo với Sở Công thương, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ phối hợp với sở này để xem xét, hỗ trợ thêm cho DN” - ông Minh cho hay.
 
Tăng cường kết nối ngân hàng với DN

Ngoài chương trình bình ổn, Chương trình cho vay các dự án kích cầu, Chương trình kết nối NH-DN, cho vay trong các KCN-KCX cũng góp phần vào sự tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP với con số ấn tượng trong những tháng đầu năm 2014, đặc biệt là trong bối cảnh các ngân hàng khó đẩy vốn ra thị trường do nợ xấu gia tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 3-2014, dư nợ cho vay các dự án kích cầu đạt 665,51 tỷ đồng với tổng cộng 13 dự án được vay. Dư nợ cho vay đối với các DN trong các KCN-KCX đến cuối tháng 3-2014 đã đạt hơn 56.500 tỷ đồng cho 1.391 khách hàng vay vốn.
 
Riêng Chương trình kết nối NH-DN sau 4 tháng, đã thực hiện kết nối tại 11 quận - huyện trên địa bàn TP với tổng số vốn tín dụng cam kết khoảng 8.432 tỷ đồng cho hơn 360 DN vay. Mặc dù chương trình đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng hiện chương trình vẫn có thể phát huy hiệu quả cao hơn nếu tăng cường việc kết nối. Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, hiện Sacombank tham gia vào Chương trình này rất tốt.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã dành 515 tỷ đồng cho DN vay ưu đãi thông qua chương trình này. Tuy nhiên, theo ông Khang, mặc dù nhu cầu DN vay còn rất nhiều nhưng hiện nay các ngân hàng phối hợp với các quận - huyện tìm kiếm, tiếp cận các DN tỷ lệ vẫn còn rất ít. “Để chương trình phát huy hiệu quả hơn thì thời gian tới cần phải tăng cường hợp tác giữa ngân hàng và địa phương để tìm kiếm thêm” - ông Khang đề nghị.

Ông Nguyễn Duy Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, chương trình kết nối NH - DN cần có những giải pháp năng động hơn. Chẳng hạn trong cuộc kết nối giữa các DN trên địa bàn Bình Thạnh và ngân hàng mới đây, nhiều DN được ký kết cho vay là nhờ Hội DN quận Bình Thạnh có những cách làm sáng tạo. Cụ thể, sau khi ký kết, hội này đã phân loại DN ra làm nhiều nhóm, sau đó tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp xúc từng nhóm có cùng khó khăn, từ đó hai bên ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, quy trình vay… “Chỉ trong 1 buổi chiều sau khi tiếp xúc, đã có 7 khách hàng trong lĩnh vực xây dựng có nhu cầu được chúng tôi ký kết cho vay ngay” - ông Tùng cho hay.
 
Để tăng cường kết nối, NHNN cũng cho biết, đã thực hiện kết nối và ký kết cho vay với các DN trong KCX-KCN, cuối tháng 4 vừa qua, NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp với BQL KCX-KCN (HEPZA) nắm bắt thông tin từ các DN có nhu cầu vay vốn để đẩy nhanh việc cho các DN tại HEPZA vay.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục